Đánh giá lại GDP để lập kế hoạch sát thực tế hơn

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 là một dữ liệu quan trọng để xây dựng Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. “Đây cũng là tài liệu rất quan trọng làm cơ sở xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030”, ông Lâm cho biết thêm.
TS. Nguyễn Bích Lâm

TS. Nguyễn Bích Lâm

Mấy tháng trước, các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân khá bất ngờ khi biết quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 đánh giá lại tăng thêm 23,8%. Nhưng con số chính thức vừa được Tổng cục Thống kê công bố thì GDP không phải tăng 23,8%, mà là tăng đến 25,4%, nên càng bất ngờ hơn?

Sau khi có kết quả rà soát, tính toán, đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, chúng tôi có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư con số sơ bộ là quy mô GDP tăng thêm 23,8%. Trước kết quả này, Thủ tướng chỉ đạo, để khách quan, trung thực, cần phải mời các tổ chức quốc tế đánh giá độc lập, khách quan, dựa trên thực tế và cơ sở khoa học.

Sau khi hợp tác với các chuyên gia về thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của chuyên gia thống kê của Liên hợp quốc, việc tính toán lại cho ra con số quy mô GDP tăng thêm 25,4%, chứ không phải 23,8%.

Quy mô GDP đánh giá lại là cơ sở để hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là căn cứ để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kết quả này cũng được sử dụng để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2016 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương cũng sử dụng số liệu đánh giá lại để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tới.

GDP là số liệu gốc để tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ, bội chi, thu ngân sách nhà nước. Thưa ông, việc chậm công bố thông tin cũng không khỏi khiến dư luận nghi ngờ về mục đích tính toán lại GDP?

Trước hết, phải khẳng định, việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP được cơ quan thống kê nhiều nước trên thế giới thực hiện, kể cả những nước phát triển, vì trong quá trình biên soạn, chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại.

Đối với Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên, cơ quan thống kê rà soát, tính toán, đánh giá lại quy mô GDP, mà năm 2013, Việt Nam đã đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, vì thế việc nghi ngờ động cơ đánh giá lại quy mô GDP là không có cơ sở.

Còn vì sao đến bây giờ, chúng tôi mới công bố số liệu GDP đánh giá lại? Vì sau khi có con số chính thức, chúng tôi báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được chỉ đạo là không chỉ đưa con số khô khan, mà phải có phân tích, giải thích và quan trọng là đưa ra khuyến nghị. Để phân tích, giải thích cho người dùng tin hiểu vì sao GDP tăng thêm, tăng thêm do đâu, thì cần phải có thời gian.

Vậy cụ thể GDP tăng thêm do đâu, thưa ông?

Thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP, chúng tôi và các chuyên gia thống kê IMF, Liên hợp quốc đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP: bổ sung thông tin từ tổng điều tra; hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia năm 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ có nhóm cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá làm quy mô GDP giảm, nhưng giảm không nhiều, nên tổng hợp lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%.

Quy mô GDP đánh giá lại tăng thêm còn nhờ truy tìm được 76.000 doanh nghiệp đã từng bị bỏ sót?

Phát hiện ra 76.000 doanh nghiệp bị bỏ sót là nhờ cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê thực hiện. Việc bỏ sót này có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong những năm vừa qua tăng rất nhanh, khoảng 100.000 doanh nghiệp/năm, nên không chỉ ngành thống kê, mà các cơ quan quản lý nhà nước khác như thuế, bảo hiểm xã hội... cập nhật chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

Thứ hai, tuyệt đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có bộ phận kế toán, mà đi thuê dịch vụ kế toán, nên cơ quan thống kê rất khó tiếp cận để điều tra, khảo sát.

Thứ ba, một bộ phận doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp quy mô lớn, không chấp hành đầy đủ trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình hoạt động, tài chính cho cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành thống kê nói riêng.

Thứ tư, trong số những doanh nghiệp hiện nay, một tỷ lệ không nhỏ chỉ có tên, không hoạt động ở địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.

Thứ năm, năng lực của một bộ phận viên chức ngành thống kê còn hạn chế.

Quy mô GDP tăng, thu nhập GDP bình quân đầu người mỗi năm tăng thêm 10,3 triệu đồng, nhưng chắc chắn thu nhập của người dân không tăng thêm sau khi đánh giá lại GDP, thưa ông?

Đúng là thu nhập của người dân không tăng thêm sau khi quy mô GDP đánh giá lại tăng thêm 25,4%, vì trên thực tế, người dân đã được hưởng toàn bộ thành quả nhờ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhờ kinh tế tăng trưởng, nhưng trước đây chưa cân đo, đong đếm chính xác và giờ đánh giá lại cho sát thực tế.

Thu nhập thực tế của người dân không tăng sau khi đánh giá lại GDP, nhưng căn cứ vào kết quả đánh giá lại, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách để điều chỉnh sự phát triển kinh tế cho đúng hướng, sát thực tế, nhờ đó phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi kinh tế - xã hội phát triển ở tầm cao mới sẽ tạo tiền đề tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tin bài liên quan