Đại biểu Ngọ Duy Hiểu

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu

Đại biểu Quốc hội: “Quy định pháp luật trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất…”

(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến như vậy, khi nói về chất lượng xây dựng luật của các cơ quan chức năng.

Lo ngại tình trạng “đưa vào, rút ra”

“Việc lập chương trình xây dựng luật chưa sát thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu của thực tiễn nên tính khả thi chưa cao. Do đó, nhiều dự án luật đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình. Ví dụ, năm 2017 bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi chương trình 3 dự án, 2 dự án luật được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án và bổ sung 10 dự án…”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Bắc Kạn thẳng thắn.

Cùng lo ngại trên, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) bày tỏ sự băn khoăn trước việc đưa vào chương trình, nhưng nay xin rút, mai xin lùi của một số dự án luật. Tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội chưa nghiêm...

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc xây dựng nhà nước pháp quyền còn xa, vì chúng ta đang ban hành luật với những quy định, nguyên tắc rất chung, phải chờ đến nghị định, rồi nghị định cũng chưa đi vào cuộc sống, phải chờ thông tư.

“Một đất nước mà quản lý chủ yếu bằng thông tư, thì tôi nghĩ rằng vi phạm pháp luật sẽ phổ biến. Trong khi đó, chất lượng các đạo luật chưa đạt yêu cầu, quy trình làm luật còn quá nhiều vấn đề và chương trình xây dựng luật thường xuyên thay đổi. Nguyên nhân vì đâu, tôi cho rằng căn cốt nhất chính là chúng ta thiếu một tầm nhìn lập pháp, chưa có chiến lược lập pháp dài hạn…”, ông Vân thẳng thắn.

Ông Vân cho biết thêm, hiện nay, khởi xướng chính sách pháp luật phần lớn từ Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội gần như sáng kiến lập pháp chưa có, đặc biệt là đại biểu Quốc hội... Để khắc phục tình trạng này, đã đến lúc Quốc hội phải có một kỳ họp chuyên đề để bàn nghiêm túc về kỷ luật lập pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng xin lùi, xin rút ảnh hưởng đến tính ổn định của chương trình. Một thời gian dài chúng ta chưa xử lý được. Trình chậm, hồ sơ chưa đầy đủ, có những dự án chỉ trình trước phiên thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 - 3 ngày, chất lượng dự án chưa bảo đảm...

Giải trình về những ý kiến trên, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc lùi, rút, điều chỉnh các dự án luật là cần thiết, thậm chí rất cần thiết nhưng có mặt tốt, mặt xấu. Tốt nếu kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ, như Nghị quyết nợ xấu, bổ sung vào chương trình thông qua trong một kỳ họp, rất tốt.

“Nếu lùi, rút do kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, do chuẩn bị không tốt, chất lượng không bảo đảm, tiến độ không bảo đảm và bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ‘bác’, cái đó là xấu. Vừa qua, nhìn lại tốt nhiều hơn xấu...”, ông Định nhìn nhận.

Ông Định giải trình thêm, đại biểu Quốc hội nói các Ủy ban của Quốc hội có nể nang, né tránh, thuận theo cơ quan trình, chuyện đó là có thật. Tuy nhiên, khi dự án luật đưa ra lấy ý kiến mà không đảm bảo chất lượng, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bác”…

Lấy ý kiến còn hình thức

Một thực tế khác ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng luật, theo Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), là việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ…

Ở khía cạnh có liên quan, theo Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội), có những ban soạn thảo giải trình, tiếp thu không đầy đủ. Chưa quan tâm đến những ý kiến cá biệt, những ý kiến còn khác nhau, đặc biệt là đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng...

“Có những dự án luật mới đưa ra những dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối gay gắt từ nhân dân. Có người nói quy định pháp luật trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất. Đây là vấn đề tôi cho rằng chúng ta phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành cần phải tập trung hơn trong nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật…”, ông Hiểu đề xuất.

Để nâng cao chất lượng làm luật, theo ông Định, các đại biểu đề xuất đổi mới cách lấy ý kiến nhân dân, các đối tượng tác động; gửi sớm tài liệu để các đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu để có ý kiến phát biểu sâu... Những biện pháp này đã tiến hành, nhưng chưa đạt như ý muốn của vị đại biểu Quốc hội.

“Ở đây trách nhiệm thuộc về cả Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo và mỗi đại biểu Quốc hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có biện pháp để khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm, các văn bản có ý kiến tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rành mạch, đầy đủ hơn…”, ông Định nói.

Tin bài liên quan