Đại biểu Dương Trung Quốc lo dự án sân bay Long Thành "đầu chuột đuôi voi".

Đại biểu Dương Trung Quốc lo dự án sân bay Long Thành "đầu chuột đuôi voi".

Đại biểu Quốc hội lo dự án sân bay Long Thành 'đầu chuột đuôi voi'

Dự án sân bay Long Thành có chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1 tỷ USD, chưa tính công xây dựng, nhưng đại biểu vẫn lo đội vốn.

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Là đại biểu tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc cho hay, người dân địa phương mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thực hiện, bởi vì 12 năm qua "gần như là dự án treo".

Ông Quốc nêu vấn đề, trong bối cảnh mà tâm thế xã hội với các dự án lớn luôn đưa ra câu hỏi đầu tiên "có tiêu cực hay không", thì việc triển khai giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng sân bay Long Thành phải đặt cao khâu giám sát. 

"Chúng ta có nhiều dự án lớn đầu chuột đuôi voi, nghĩa là đưa ra đơn giản nhẹ nhàng nhưng cuối cùng tổng mức đầu tư phình ra ghê gớm tạo bức xúc cho người dân. Tôi mong Quốc hội và các cơ quan chức năng giám sát tốt dự án này để đáp ứng niềm tin của người dân", ông Quốc nhấn mạnh.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai trên diện tích 5.000 ha, với vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, trong tương lai sẽ nâng tầm lên khu vực Đông Nam Á.

Dự án chia thành 3 giai đoạn với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn một đến năm 2025 là 5,45 tỷ USD. Để khởi công vào năm 2019, Chính phủ dự kiến tổng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn một tỷ USD.

"Đất nghĩa trang đắt hơn đất biệt thự"

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, ấn tượng với phần miêu tả chính xác "tới từng cm" trong phương án thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tại đây sẽ quy hoạch khu nghĩa trang 50,9 ha, trong đó 20 ha là nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư (di dời nhà cửa và mộ phần của dòng tộc), còn lại giao cho công ty TNHH Hoa Viên Bình An để kinh doanh.

Ông Cường lưu ý, "trong phạm vi cách thành phố lớn từ 40 - 70 km như hiện nay thì giá bán mỗi m2 đất đặt phần mộ cho người chết còn cao hơn giá đất xây dựng cho người sống". Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt tại xã Bình An là xã nằm ở trung tâm phát triển đô thị trong tương lai, nhiều khả năng đất nghĩa trang có giá cao hơn so với đất đô thị, đất biệt thự.

Ông Cường đề nghị, nếu quy hoạch nghĩa trang tại Bình An với diện tích đất gần gấp 3 lần nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) hiện nay thì cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt rất lớn, nhưng lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của cả một khu vực trung tâm Đông Nam Bộ. 

"Tôi e ngại với quy hoạch và tầm nhìn cho dự án như thế thì Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay, mà trở thành thành phố nghĩa trang", ông nói.

Đại biểu Quốc hội lo dự án sân bay Long Thành 'đầu chuột đuôi voi' ảnh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị quy hoạch lại khu đất xây dựng nghĩa trang trong dự án sân bay Long Thành. 

Cũng theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân,  khu vực sân bay Long Thành tới đây chắc chắn sẽ hình thành đô thị sân bay, nhưng với khu tái định cư Bình Sơn quy mô 289,7 ha gần đó thì sẽ phá vỡ quy hoạch hình thành thành phố sân bay hiện đại trong tương lai.

Đồng tình với ông Cường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm không nên để thành phố mọc lên sát khu vực xung quanh sân bay. "Như vậy sẽ ảnh hưởng tới an toàn bay", ông Nhưỡng nói.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã rơi vào tình trạng "tắc trên trời, tắc cả dưới đất", vì thế việc xây dựng sân bay Long Thành rất cấp bách. 

"Dự án có quy mô rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân. Chúng tôi sẽ rất thận trọng khi làm", Bộ trưởng Giao thông cam kết.

Tổng diện tích dự kiến thu hồi đất khu vực Long Thành là 5.600 ha, trong đó, diện tích đất phục vụ xây dựng sân bay 5.000 ha; xây dựng các khu tái định cư khoảng 565 ha (thuộc địa bàn xã Bình Sơn và xã Lộc An); xây dựng khu nghĩa trang khoảng 20 ha (địa bàn xã Bình An).

Theo số liệu điều tra, tổng số trường hợp bị thu hồi đất và bị ảnh hưởng là khoảng 4.800 hộ gia đình với hơn 15.500 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất. Trong đó gần 4.400 người dưới độ tuổi lao động, 9.700 người trong độ tuổi lao động. 100% số hộ đều có nhu cầu nhận đất tái định cư.

Tin bài liên quan