Đã tổng kết được một số mô hình thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long

(ĐTCK) Các mô hình điển hình đã được triển khai thành thực tiễn tốt giúp cộng đồng xây dựng năng lực phòng ngừa đối phó thiên tai và biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương. 
Đã tổng kết được một số mô hình thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long” vừa diễn ra tại Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. 

Báo cáo tổng kết dự án cho thấy, sau 2 năm triển khai thực hiện, các mô hình mục tiêu được triển khai áp dụng thành thực tiễn tốt tại 2 vùng trọng điểm dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu là thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Các mô hình này bao gồm Mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu - Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới, Ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Sau thời gian thực hiện, các mô hình này được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao, trở thành thực tiễn tốt có thể nhân rộng tại các địa phương trong lĩnh vực phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được chính quyền và cộng đồng địa phương cùng phối hợp với dự án thực hiện như xây dựng lại 4 đoạn đường giao thông và bờ kè tại 3 xã Thới An Hội, An Mỹ và Kế Thành với tổng chiều dài lên đến 143 m. Trong đó, dự án hỗ trợ 50% chi phí, 50% còn lại do ngân sách địa phương và người dân đối ứng.

Công trình đã giúp khắc phục tình trạng sạt lở do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời giúp nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương thông qua việc vận động, đóng góp kinh phí thực hiện công trình.

Đã tổng kết được một số mô hình thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1 

Ông Trần Văn Hùng, người dân sống tại ấp Trường Lộc, xã An Mỹ cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay tình trạng sạt lở diễn ra ở khu vực này rất nghiêm trọng. Nhờ dự án phối hợp cùng chính quyền hỗ trợ chi phí và giúp thực hiện việc xây dựng, chỉ trong 1 tháng người dân đã có thể đi lại bình thường qua đoạn sạt lở. Bờ kè cũng đã được xây kiên cố lại, người dân không lo vườn trái cây, hoa màu bị ảnh hưởng nữa”.

Đánh giá về tác động tổng thể của dự án, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV cho biết, với sự quan tâm và vào cuộc của tất cả các bên liên quan, các kế hoạch công việc của dự án đã được hoàn thành như mong đợi.

“Sau 2 năm triển khai, kết quả nổi bật của dự án là đã góp phần giúp cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên người dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực bị tác động bởi thiên tai và biến đổi khí hậu được đảm bảo an toàn, đời sống được cải thiện thông qua hỗ trợ các giải pháp và cơ chế phòng ngừa, giảm nhẹ, phối hợp và ứng phó với rủi ro thiên tai theo cách bền vững”, ông Việt Anh chia sẻ..

Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BftW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng phối hợp hỗ trợ.

Dự án do Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. 

Tin bài liên quan