Đã đến lúc “làm mới” Luật Doanh nghiệp

Đã đến lúc “làm mới” Luật Doanh nghiệp

(ĐTCK) Luật DN 2005 vẫn mang tính tiền kiểm, gây khó khăn cho DN khi gia nhập thị trường.

Đánh giá cao hiệu quả do Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 mang lại cho cộng đồng DN Việt Nam, nhưng hầu hết đại biểu tham dự Hội thảo về sửa đổi Luật DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10/9 đều cho rằng, đã đến lúc phải sửa đổi luật này để phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh trong nước và thông lệ quốc tế.

Xóa cơ chế “tiền kiểm”

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, việc chuyển từ cơ chế đăng ký kinh doanh “tiền kiểm” theo Luật DN 1999 sang cơ chế “hậu kiểm” của Luật DN 2005 là “một trong những bước đổi mới tư duy đột phá quan trọng góp phần giải phóng sức lao động của khu vực tư nhân thời gian qua”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra một số quy định của Luật DN 2005 vẫn mang tính tiền kiểm, gây khó khăn cho DN khi gia nhập thị trường, biểu hiện ở 2 nhóm: yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký kinh doanh và yêu cầu tiền kiểm đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Ông Tuấn kiến nghị, để thực hiện đúng nguyên tắc quyền tự do kinh doanh, DN được hoạt động ngay khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện),  Luật DN sửa đổi cần chuyển toàn bộ yêu cầu về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề thành điều kiện sau đăng ký kinh doanh.

Cũng nằm trong nhóm kiến nghị xóa bỏ cơ chế “tiền kiểm”, ông Tuấn cho rằng, Luật sửa đổi cần có nội dung yêu cầu cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh các cấp công bố rộng rãi thông tin về đăng ký DN nhằm giảm bớt rủi ro cho DN trong các giao dịch kinh tế; quy định việc sử dụng mã số DN như một mã số định danh duy nhất để xác định DN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận dạng, trao đổi thông tin về DN giữa các cơ quan quản lý khác nhau.

 

Tách thủ tục đầu tư và đăng ký kinh doanh

Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo. Theo quy định hiện hành, NĐT nước ngoài và NĐT trong nước (nếu có yêu cầu) sẽ phải thực hiện đồng thời dự án đầu tư và hồ sơ thành lập DN để cơ quan chức năng xét duyệt và cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời cũng là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quy định trên nhằm mục đích giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NĐT trong việc xin cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên thực tế, quy định này đã làm tăng số lượng cơ quan có chức năng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ở các cấp, dẫn đến khó theo dõi, quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh, nhất là trong việc xử lý sai phạm; không tách biệt được chức năng quản lý đăng ký kinh doanh và dự án đầu tư. NĐT cũng gặp khó khăn trong thay đổi, điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh.

Để khắc phục những bất cập trên, ông Tuấn đề xuất 2 phương án: Một là, NĐT trong và ngoài nước nếu đáp ứng điều kiện thành lập DN thì được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sau đó mới xin giấy phép đầu tư đối với từng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Hai là, thực hiện thủ tục xin giấy phép đầu tư trước, sau đó làm thủ tục đăng ký kinh doanh sau để thực hiện dự án đầu tư đó.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến công khai, minh bạch hóa thông tin DN; quy định về giải thể và dừng hoạt động của DN; mua bán, sáp nhập và tổ chức lại DN; khung quản trị DN…

Báo ĐTCK sẽ tiếp tục đăng các bài viết phản ánh quan điểm của giới chuyên gia, nhà quản lý và các DN về những bất cập và kiến nghị sửa đổi sắc luật quan trọng này.