“Cửa” nào cho giày dép Việt Nam sang Mỹ trong năm 2020?

“Cửa” nào cho giày dép Việt Nam sang Mỹ trong năm 2020?

Xuất khẩu giày dép sang Mỹ dù chịu không ít tác động do Covid-19 nhưng dự báo từ nay đến hết năm 2020 vẫn đi ngang chứ không bị giảm sâu.

Gần 120 doanh nghiệp, bao gồm 60 nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và gần 60 nhà cung cấp Việt Nam đã cùng dự Hội nghị trực tuyến "Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam – Hoa Kỳ hậu Covid-19".

Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ với Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA) tổ chức.

Nhu cầu giày dép tại Mỹ giảm

Thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường giày dép Mỹ, ông Matt Priest, Chủ tịch FDRA cho biết, dịch Covid 19 đã khiến cho tình hình thất nghiệp tại nước này tăng cao, thu nhập của người dân giảm khiến họ e dè hơn trong việc mua sắm hàng hóa, trong đó có mặt hàng giày dép.

"Nhu cầu thị trường giày dép tại Mỹ từ tháng 1-5/2020 đã giảm và dự báo những tháng còn lại của năm sẽ có xu hướng giảm tương tự, gây khó khăn hơn cho các nhà xuất khẩu, trong đó có Việt Nam", ông Matt Priest thông tin.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã tạm ngưng đặt hàng trong thời gian qua, khiến hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam bị ảnh hưởng, việc làm thiếu, sụt giảm doanh thu. 

Do đó, việc nhanh chóng thiết lập được sự kiện hội nghị giao thương trực tuyến chính là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hai bên duy trì tiếp xúc, kết nối và cùng tìm ra các cơ hội thông thương sản phẩm giày dép trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Mỹ là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu sang Mỹ đạt 6,65 tỷ USD, tăng 14,2%, còn nếu tính cả túi xách, kim ngạch đạt tới 8,2 tỷ USD, nhưng do tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chốt được các hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ của quý III.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho rằng, để vượt qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp Việt cần linh hoạt hơn, đồng thời khẳng định, Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh thông tin về đối tác, sản phẩm cũng như kết nỗi doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại thị trường Mỹ.

Vẫn có "cửa" cho Việt Nam

Trong xu hướng tiêu dùng giày dép giảm do Covid-19, CEO của FDRA nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu giày dép sang Mỹ.

Đánh giá của ông theo ông Matt Priest cho hay, giai đoạn từ năm 2003 – 2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ các nước trên thế giới biến đổi bất ổn với chiều hướng giảm thì giày dép của Việt Nam vào Mỹ vẫn liên tục tăng. Tính riêng những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam giảm nhưng vẫn tốt hơn hẳn so với nhập khẩu từ các nước còn lại.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2020, Mỹ tiếp tục là thị trường số 1 nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,56 tỷ USD , tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, mức thuế mà Mỹ áp vào mặt hàng giày dép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên, do xung đột về chính trị giữa hai nước. Thời gian tới, thế giới sẽ thiết lập lại chuỗi cung ứng, tình hình xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ cũng có những thay đổi và Việt Nam sẽ trở thành nơi tăng nguồn cung ứng giày dép cho Mỹ.

Bởi vậy, ông Matt Priest dự báo, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 so với thời điểm hiện tại dự kiến sẽ đi ngang chứ không tăng hoặc giảm.

Được biết, sau hội nghị trực tuyến, doanh nghiệp hai nước sẽ tiếp tục có những cuộc gặp trực tiếp một - một bàn về các kế hoạch kinh doanh cụ thể. Hiện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vẫn đang tiếp tục làm việc với các đối tác của nước này như Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN để có thể sớm tổ chức thêm các cuộc xúc tiến thương mại trực tuyến khác kết nối doanh nghiệp hai nước.

Tin bài liên quan