Cửa hẹp dần với hành vi tham nhũng vặt

Cửa hẹp dần với hành vi tham nhũng vặt

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4. Chính phủ đã yêu cầu rõ như vậy tại Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
So với yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các bộ, ngành, địa phương của Nghị quyết 19-2018 cũng về nội dung trên, áp lực đặt ra với các bộ, ngành, địa phương là rất lớn. Phải nói rõ, cấp độ 4 là cấp độ cao nhất trong dịch vụ công trực tuyến, cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Với cấp độ 3, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng Internet, nhưng người dân, doanh nghiệp sẽ nhận kết quả và thanh toán lệ phí nếu có trực tiếp tại cơ quan và tổ chức nhà nước cung cấp dịch vụ.

Ở cấp độ 4, việc tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và công chức giải quyết thủ tục hành chính gần như bằng không, đồng nghĩa với cơ hội, khả năng can thiệp hoặc sự tùy ý trong thực hiện các thủ tục của công chức thực thi giảm sẽ rất lớn, tính minh bạch tăng lên, dư địa cho tham nhũng vặt thu hẹp đáng kể.

Hơn thế, để thực hiện yêu cầu của cấp độ 4, các bộ, ngành, địa phương phải áp dụng công nghệ thông tin, thiết lập phương thức quản lý mới phù hợp, thậm chí là thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng, nhưng cũng là động lực để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp mạnh mẽ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.

Thực tế, việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới đa phần dừng lại ở cấp độ 3, với tỷ lệ thực hiện không cao. Số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018 cho thấy, chỉ có 13% doanh nghiệp làm thủ tục trực tuyến.

Tỷ lệ thực hiện giao dịch điện tử thấp chủ yếu do chất lượng đường truyền, tính năng và mức độ ổn định của hệ thống chưa cao, khả năng giải quyết các vướng mắc trên giao diện mạng còn bất cập. Tỷ lệ này thấp còn do một số cơ quan yêu cầu người dân, doanh nghiệp vừa thực hiện online vừa yêu cầu nộp bản giấy.

Thực trạng trên thể hiện khá rõ trong thực hiện kết nối Cơ chế Một cửa quốc gia. Hiện mới có 11 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế Một cửa quốc gia với 68 thủ tục hành chính. Con số này rất thấp so với kế hoạch đăng ký kết nối của các bộ theo đó đến hết năm 2018 phải là 270 thủ tục, hết năm 2019 là 284 thủ tục. Nếu tính cả những thủ tục mà các bộ chưa có kế hoạch kết nối, thì tỷ lệ kết nối còn thấp hơn nhiều.

Điều đáng nói là sự chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa cao. Thực tế triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia cho thấy, chỉ có một số rất ít thủ tục kết nối điện tử hoàn toàn.

Khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho thấy, chỉ có thủ tục Khai báo hóa chất thuộc quản lý của Bộ Công thương được thực hiện 100% trên môi trường mạng. Một số ít thủ tục thực hiện trực tuyến, nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp trực tiếp một số giấy tờ bản gốc hoặc nộp phí. Thậm chí, hầu hết thủ tục kết nối hiện nay vừa thực hiện online, vừa thực hiện thủ công (nộp bản giấy)…

Rõ ràng, nếu không sớm thay đổi cách thức quản lý này thì doanh nghiệp sẽ không muốn thực hiện trực tuyến, vì vừa tốn thời gian, vừa thêm công đoạn. Đáng lo ngại hơn là cách thức, tư duy quản lý đó sẽ dẫn đến khả năng tùy nghi giải thích pháp luật của công chức. Đây là cội nguồn sâu xa của tham nhũng vặt, của nhũng nhiều phiền hà và kể cả việc thiết kế chính sách theo hướng tạo cơ hội cho nhũng nhiễu.

Đã đến lúc, nền kinh tế không thể có cửa cho tham nhũng vặt.

Tin bài liên quan