Tình trạng kém minh bạch thông tin xuất hiện ở cả doanh nghiệp lớn, uy tín

Tình trạng kém minh bạch thông tin xuất hiện ở cả doanh nghiệp lớn, uy tín

Công bố thông tin 30 doanh nghiệp lớn: Nhiều điểm 0

(ĐTCK) Kết quả khá nghèo nàn về tình trạng công bố thông tin của 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tại báo cáo “Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017” (TRAC Việt Nam 2017) do Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam vừa công bố một lần nữa cho thấy, việc minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự được cải thiện.

Với cơ sở đánh giá dựa trên 3 yếu tố, bao gồm chương trình phòng chống tham nhũng, minh bạch trong cấu trúc, tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp và cơ chế báo cáo theo quốc gia, Báo cáo đã chỉ ra một thực trạng khá èo uột: có tới 21/30 doanh nghiệp không công bố công khai các chương trình chống tham nhũng, 12/30 doanh nghiệp không công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu, 4/30 doanh nghiệp không có trang thông tin điện tử và 16/30 doanh nghiệp không cung cấp thông tin về các công ty con tại nước ngoài.

Đáng chú ý, trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín, từng nằm trong top những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong nhiều năm, nhưng bị cho “điểm 0” về các chỉ số minh bạch thông tin như: Hoa Sen, Hùng Vương, Kuhera Việt Nam, Microsoft Việt Nam, Pou Yeun Việt Nam, Saigon STEC, Thegioididong, Thalexim, Saigon Petro, Vinafood II, Vimedimex...

Thậm chí, có nhiều tên tuổi của khối FDI cũng bị chấm “zero” về minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp như: CPV, Canon Việt Nam, Cargill Việt Nam, Kuhera Việt Nam,
Microsoft Việt Nam, Posco Việt Nam, Pou Yeun Việt Nam, Saigon STEC, Samsung Vina…

Theo nhận định tại Báo cáo, từ kết quả này có thể thấy sự thiếu sót rõ ràng trong cấu trúc và quản trị doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho các hành vi tham nhũng, tăng rủi ro cho các bên liên quan, người lao động và cộng đồng địa phương.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu minh bạch trong công bố thông tin doanh nghiệp luôn là vấn đề tồn tại dai dẳng trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp Việt Nam. TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát đối với 400 doanh nghiệp đang hoạt động theo các mô hình hiện tại, bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp FDI (bao gồm cả doanh nghiệp niêm yết) do VCCI thực hiện vào cuối năm 2016 đã chỉ ra một thực tế rằng, minh bạch thông tin doanh nghiệp là một trong những vấn đề lớn nhất của quản trị công ty hiện nay.

“Chủ sở hữu, các cổ đông nhiều khi không nhận một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về doanh nghiệp. Điều này khiến các nhà đầu tư và cổ đông khó đánh giá chính xác giá trị doanh nghiệp trong hiện tại, cũng như tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.

Mặt khác, các doanh nghiệp chưa có các chuẩn mực công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính và mức độ công bố thông tin, đặc biệt là các công ty chưa niêm yết, sự minh bạch là rất kém. Trong khi đó, những cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy quản trị công ty tốt hoặc chưa có, hoặc còn yếu kém.

Bên cạnh đó, một  kết quả đáng chú ý khác trong khảo sát của VCCI là chỉ có 52,5% doanh nghiệp có thực hiện kiểm toán nội bộ hàng năm và 66,8% doanh nghiệp công khai các kết quả kiểm toán độc lập. Nhiều doanh nghiệp không công bố chính sách xác định và hỗ trợ tính độc lập của kiểm toán, cũng như thông tin về việc giám sát mối quan hệ này của Ban kiểm soát (hay Tiểu ban kiểm soát)...

“Cần chú ý rằng, một công ty kiểm toán bên ngoài được coi là độc lập, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Tính độc lập của kiểm toán còn có thể bị ảnh hưởng nếu các dịch vụ phi kiểm toán có mức phí cao hơn nhiều so với mức phí kiểm toán, hay công ty kiểm toán thu lợi nhuận dựa trên cơ sở mối quan hệ gần gũi với công ty được kiểm toán trong các lĩnh vực thuế và tài chính doanh nghiệp”, Báo cáo lưu ý.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với mức độ minh bạch còn yếu nên mức điểm quản trị công ty của Việt Nam trong khu vực ASEAN vẫn xếp ở mức thấp, có khoảng cách lớn so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines và chưa thể so sánh với Singapore.

Ông Hiếu cho rằng, vấn đề này là đáng lo ngại, bởi mức điểm này mới chỉ đánh giá đối với các doanh nghiệp niêm yết là khu vực được cho là có mức độ minh bạch tốt nhất, còn với các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, thì thực trạng minh bạch thông tin còn tệ hơn nhiều.

Để khắc phục tình trạng này, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty và tăng sự giám sát từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về công bố thông tin để nâng cao tính minh bạch của thị trường.

Tin bài liên quan