Còn ưu đãi tràn lan thì chuyển giá còn phức tạp

Một trong những nội dung được Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 1/1/2018) đặt ra là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn lậu thuế. Sau một năm thực hiện, tình trạng chuyển giá được đánh giá là vẫn diễn biến phức tạp. Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam), còn ưu đãi tràn lan, còn “cạnh tranh xuống đáy”, thì chuyển giá còn phức tạp.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam)

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam)

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn lậu thuế. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, tình trạng chuyển giá được đánh giá là vẫn diễn biến phức tạp. Theo ông, vì sao vậy?

Chuyển giá là vấn đề nhức nhối, thách thức với tất cả các nền kinh tế, cả nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Có thể nói, thách thức trong việc chống chuyển giá trên toàn cầu ngày càng tăng với cơ quan thuế do sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số; mức độ hội nhập kinh tế và thương mại ngày càng cao, tự do hóa và mở cửa ngày càng lớn; các liên kết chuỗi giá trị ngày càng phức tạp…, khiến việc kiểm soát chuyển giá khó khăn hơn bao giờ hết.

Những thách thức này đặc biệt lớn đối với các nước đang phát triển - nơi thị trường thường có rất nhiều khiếm khuyết, các thông tin giao dịch và thị trường thường không đầy đủ và đáng tin cậy; hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế không được thu thập đầy đủ và tổ chức có hệ thống… 

Với Việt Nam, tình hình còn phức tạp hơn, bởi ngoài việc phải chịu tất cả thách thức như các nền kinh tế phát triển, đang phát triển, chống chuyển giá còn chịu áp lực do ưu đãi thuế tràn lan, các địa phương đua nhau đưa ra ưu đãi với đủ mọi hình thức, cấp độ nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, không phải cứ đặt ra nhiệm vụ chống chuyển giá là tình trạng chuyển giá để gian lận thuế giảm ngay được, mà phải thực hiện dần từng bước, có lộ trình, trong đó, yêu cầu cấp bách nhất là phải hoàn thiện chính sách thuế, giảm ưu đãi tràn lan.

Nếu không đưa ra chính sách ưu đãi cao, ưu đãi tối đa thì các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn làm sao thu hút được đầu tư, thưa ông?

Tình trạng các địa phương đua nhau thu hút đầu tư bằng các chính sách ưu đãi rất cao có thể gọi là “cuộc đua xuống đáy”. Vì thu hút đầu tư nhiều, nhưng ngân sách không tăng thu, địa phương thu không đủ chi, ngân sách trung ương phải cân đối.

Ngân sách trung ương luôn có hạn, cân đối cho địa phương này thì phải “co kéo” tăng thu ở các địa phương khác, tăng thu ở các khoản khác, dẫn đến làm méo mó môi trường kinh doanh và bất hợp lý trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Địa phương nào ưu đãi cao hơn, tất nhiên nhà đầu tư tìm đến đó, nên các địa phương khác rất khó thu hút đầu tư, rất khó tăng thu ngân sách. Đây chính là nguyên nhân đến tận bây giờ mới chỉ có 15 - 16 địa phương tự cân đối được ngân sách.

Một điều tai hại nữa của “cuộc đua xuống đáy” là các doanh nghiệp đầu tư ở nhiều địa phương khác nhau, kể cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài, sẽ tìm cách chuyển giá từ những nơi không được ưu đãi hoặc ưu đãi thấp về nơi có ưu đãi cao hơn để né thuế, giảm nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước. Kết quả là ngân sách nhà nước thất thu. 

Vậy chắc là phải nghiêm cấm cạnh tranh trong thu hút đầu tư?

Nếu cứ cho phép ưu đãi thỏa mái, đầu tư nhiều nhưng ngân sách địa phương thu không đủ chi, thiếu bao nhiêu “đã có Trung ương chịu” thì không lãnh đạo địa phương nào lại không chào mời các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Vì thu hút đầu tư nhiều, lãnh đạo địa phương được tiếng là năng động, sáng tạo và dù sao, địa phương có nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư cũng giải quyết được việc làm cả trực tiếp lẫn gián tiếp, kết cấu hạ tầng ở nơi có doanh nghiệp cũng được đầu tư khang trang, hiện đại hơn các nơi khác. 

Đời sống của một bộ phận người dân địa phương được cải thiện ít nhiều nhờ đầu tư. Nhưng cái quan trọng nhất không đạt được là ngân sách địa phương không tăng thu, dù thu hút hàng tỷ USD đầu tư.

Không cấm cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thậm chí phải khuyến khích, nhưng thay vì cạnh tranh bằng các cơ chế ưu đãi quá mức, cần khuyến khích cạnh tranh bằng giảm thiểu thủ tục hành chính, bỏ các chi phí không cần thiết, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Quan trọng nhất là phải phân cấp ngân sách mạnh cho địa phương, giảm cấp bù ngân sách. Một khi không được cấp bù ngân sách, địa phương sẽ tính toán, cân nhắc mức độ ưu đãi đầu tư.

Còn ở cấp độ quốc gia, vẫn phải ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì các nền kinh tế đang đua nhau giảm sắc thuế này. Nếu Việt Nam không ưu đãi bằng giảm thuế thì sẽ bị tụt lại trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam giảm từ 32% trước đây xuống còn 20% (kể từ ngày 1/1/2016), nhưng nếu tính cả các quy định về ưu đãi thuế thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp còn thấp hơn nhiều.

Vấn đề là, Việt Nam đưa ra quá nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế như ưu đãi theo địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực, quy mô vốn đầu tư, quy mô lao động…

Trong giai đoạn 2014 - 2016, tổng số tiền ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 117.000 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng khoảng 92% tổng số tiền được ưu đãi thuế. 

Chính bởi chính sách ưu đãi “da báo” đó đã khuyến khích doanh nghiệp cả nội địa lẫn nước ngoài chuyển giá từ nơi không được ưu đãi thuế vào nơi được ưu đãi thuế, khiến cơ sở thuế bị xói mòn nghiêm trọng và hậu quả là ngân sách nhà nước thất thu. 

Có 9 yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế kinh tế…, trong đó, thuế suất chỉ là một trong 9 yếu tố. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế…, thay vì chỉ nghĩ đến việc giảm thuế. 

Hơn nữa, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại là 20%, nếu có giảm xuống 15 - 17% như Hồng Kông, Singapore… thì có cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với 2 nền kinh tế kia không? Chắc là không thể, vì nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, chể chế kinh tế của 2 nền kinh tế này hơn Việt Nam rất nhiều. 

Ngay cả khi Việt Nam giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% cũng không giải quyết được bài toán chuyển giá, tránh thuế, né thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì các “thiên đường” thuế trên thế giới chỉ áp mức thuế 5 - 10%, thậm chí là 0%.

Tin bài liên quan