Cơ hội cơ cấu lại ngân sách nhà nước

Theo TS. Hoàng Quang Hàm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay hết sức khó khăn do dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, đầu tư, xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu NSNN.
TS. Hoàng Quang Hàm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

TS. Hoàng Quang Hàm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội đặt ra, nhưng thưa ông, dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cân đối NSNN?

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế là đối tác thương mại, đầu tư, du lịch hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nên ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế quan trọng của nước ta như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, thu hút đầu tư nước ngoài…

Khi các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giảm tốc độ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ tác động đến thu NSNN, vì nguồn thu từ nội địa hiện chiếm trên 83% tổng thu ngân sách.

Hơn nữa, ứng phó tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, gia hạn nợ, nên lợi nhuận của ngành ngân hàng bị giảm, kéo theo số nộp ngân sách của toàn ngành ngân hàng giảm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giãn thời gian nộp thuế cùng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng tác động ngay đến cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, theo tôi, khó khăn lại chính là cơ hội để cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, qua đó bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Hạn chế lớn nhất trong điều hành NSNN hiện nay là, trong khi ngân sách phải đi vay nợ để đầu tư, thì chuyển nguồn rất lớn và thu hồi vốn ứng trước rất chậm. Theo ông, vì sao có tình trạng này?

Chuyển nguồn lớn và thu hồi vốn ứng trước chậm là 2 vấn đề khá lớn trong quản lý, điều hành NSNN đã kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2017 được Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019) cũng chỉ ra rằng, đây là 2 trong số những hạn chế lớn nhất trong quản lý, điều hành ngân sách trong nhiều năm qua, đã rất cương quyết xử lý, nhưng tình hình chưa có nhiều biến chuyển.

Cụ thể, theo Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2017 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thì năm 2017, chi tiêu không hết phải chuyển 326.380 tỷ đồng sang năm 2018, tương đương 19,4% tổng số chi ngân sách. Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đang hoàn thiện Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6/2020, nên chưa có số liệu chính thức, song số chuyển nguồn chắc chắn vẫn rất lớn, vì giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 (thời hạn cuối cùng là 31/1/2020) chỉ đạt 88% kế hoạch.

Nhưng Luật NSNN và các nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội đều yêu cầu phải kiên quyết giảm chuyển nguồn để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, thưa ông?

Câu hỏi đặt ra là, vì sao NSNN chưa bao giờ dư giả, năm nào cũng phải đi vay hàng trăm ngàn tỷ đồng, năm nào cũng bội chi 4-5% GDP, nhưng luôn trong tình trạng thừa “cả đống tiền” tiêu không hết, buộc phải chuyển sang năm sau chi tiếp?

Chuyển nguồn là tình trạng công trình, dự án và các khoản chi tiêu sử dụng NSNN đã được dự toán, Quốc hội đã phân bổ vốn, nhưng không chi được và phải chuyển sang năm sau. Nguyên nhân là các bộ, ngành, địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư cho công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công chậm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế; phân bổ vốn khi dự án, công trình chưa đủ điều kiện... Bên cạnh đó, vẫn còn để xảy ra nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu dẫn đến dự án, công trình chậm triển khai, không giải ngân hết kế hoạch vốn, nên phải chuyển nguồn…

Ngoài ra, việc xây dựng dự toán chi thường xuyên không sát thực tế, không đúng tiêu chuẩn, định mức, đối tượng, thậm chí còn sai chế độ, nên không chi hết hoặc không chi được và buộc phải chuyển nguồn.

Thế còn tình trạng thu hồi vốn ứng trước rất chậm thì sao, trong khi theo quy định, bố trí kế hoạch vốn hằng năm phải ưu tiên vốn để thanh toán đầu tư xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước?

Do xây dựng dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư công có nhiều hạn chế, nhưng vẫn bố trí kế hoạch vốn, nên làm gì còn tiền bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước theo quy định. Tính đến đến đầu năm 2018, còn 86.339 tỷ đồng vốn ứng trước chưa được thu hồi. Nếu vẫn tiếp tục bố trí vốn “nhỏ giọt” để thu hồi vốn ứng trước như lâu nay, thì không biết bao giờ mới thu hồi được hết vốn ứng trước.

Tuy nhiên, bối cảnh khó khăn hiện nay là cơ hội xử lý dứt điểm nhiều hạn chế, tồn tại trong quản lý, điều hành ngân sách, cơ cấu lại NSNN để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW.

Cơ cấu lại bằng cách nào, thưa ông?

Đó là việc mạnh tay cắt giảm vốn của các dự án chậm trễ, kéo dài thời gian thi công (nếu không vì lý do bất khả kháng). Cắt ngay dự toán đối với những khoản chi thường xuyên không chi hết, dứt khoát không cho chuyển nguồn, nếu không có lý do thực sự chính đáng. Đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, vi phạm trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách. Bên cạnh đó, tiết kiệm triệt để các khoản chi...

Tin bài liên quan