Chơi với thị trường Trung Quốc thế nào ở thời hậu khủng hoảng là bài toán mà giới doanh nghiệp cần được hỗ trợ giải đáp.

Chơi với thị trường Trung Quốc thế nào ở thời hậu khủng hoảng là bài toán mà giới doanh nghiệp cần được hỗ trợ giải đáp.

Chuyện trách nhiệm

(ĐTCK) Sau khi hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) ngập ngay sau khi thông xe do trời mưa, không nhiều ý kiến từ những người có trách nhiệm lên tiếng giải trình rõ việc này. Phía chủ đầu tư khẳng định lý do là thông xe khi chưa hoàn thành xong. Trên một tờ báo mạng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng tuyên bố, các tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình vẫn được đảm bảo, việc xử lý ngập nước cũng sẽ thực hiện tốt, nhưng không dám tính đến các sự cố như máy bơm bị hỏng, mất điện…

Câu hỏi là trách nhiệm của quyết định thông xe thế nào khi hệ thống máy bơm, một trong những hạng mục quan trọng nhất của một công trình ngầm, chưa thật sự hoàn thiện? Hậu quả không chỉ là những ảnh hưởng đến giao thông lúc hầm bị ngập, mà là hình ảnh kéo dài không mấy tích cực về chất lượng các công trình công cộng, phong cách làm việc dưới chuẩn của Việt Nam trong con mắt người dân, trong đánh giá của các nhà tài trợ.

Cũng lại câu hỏi về trách nhiệm. Gần đây có những dự báo kinh tế về sự trở lại của các thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã hồ hởi lên kế hoạch chuẩn bị cho kỳ sản xuất mới. Tuy vậy, ông Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt dấu hỏi rằng, phải chăng là quá sớm khi đưa ra những dự báo lạc quan khi động thái từ các thị trường xuất khẩu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản… tiếp tục ghi nhận sự đình trệ?

Trong dự báo mới công bố vào giữa tháng 6 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn đưa ra sự sụt giảm của các nền kinh tế khu vực này. Thậm chí, khu vực EU được cho là chưa có dấu hiệu để nói về thời điểm hồi phục. Mỹ được cho là sẽ phục hồi vào giữa năm 2010, song kèm theo cảnh báo về khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và lãi suất ngày càng tăng.

Thế giới bất định, dễ rơi vào vòng xoáy mới. Cấu trúc của hệ thống ngân hàng trên thế giới vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt, chưa có cơ sở vững chắc cho sự phục hồi mạnh mẽ, dù có xu hướng tích cực hơn. Tôi cho rằng, nên thận trọng với các dự báo, không nên nghĩ là cơn khủng hoảng đã qua để lạc quan thuần tuý”, ông Tuấn nói.

Tất nhiên, dự báo để chuẩn bị các chiến lược, kế hoạch là cần thiết. Song, theo ông Tuấn, nếu không căn cứ trên các thông số, cơ sở vững chắc, việc chệch hướng của các chiến lược, kế hoạch sẽ đưa lại những hậu quả mà nhiều năm sau mới có thể thấy rõ. Đây cũng là cảnh báo cho những kế hoạch đầu tư thiếu cẩn trọng trong bối cảnh khủng hoảng.

Thị trường Trung Quốc được cho là sẽ phục hồi nhanh và mạnh với tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, nhưng “chơi với thị trường Trung Quốc thế nào ở thời hậu khủng hoảng?”. Đây là bài toán mà giới doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để giải đáp sau khi hàng loạt hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ thị trường vốn được cho là dễ tính này đã làm không ít doanh nghiệp lao đao. Sẽ là thua thiệt cho doanh nghiệp Việt Nam nếu như không có chiến lược và sự chuẩn bị cẩn trọng cho việc tận dụng tốt “thị trường tỷ dân” này. Câu hỏi trách nhiệm lại được gửi tới các chuyên gia nghiên cứu thị trường, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý nhà nước. Về nguyên tắc, nỗ lực không mệt mỏi của bản thân doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về những thiết kế chính sách, những thông tin đánh giá chính xác về xu hướng thị trường và cả lời giải cho bài toán hậu khủng hoảng của Chính phủ. Cũng phải nói rằng, vào thời điểm này, các khuyến nghị chính sách vẫn đưa ra rất mạnh mẽ cho mục tiêu hậu khủng hoảng khi sức ép về tỷ giá, lạm phát đang khá nặng nề.

Trở lại câu chuyện trách nhiệm của dự báo, có ý kiến cho rằng, phải phân định trách nhiệm của những dự báo được đưa ra. Theo ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, chất lượng dự báo kém của Việt Nam một phần là do thiếu quy định về trách nhiệm. Do đó, cần phải có quy định về chịu trách nhiệm khi dự báo sai, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp, cơ quản quản lý và cả môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Song, cũng không dễ để quy trách nhiệm cho những nghiên cứu, đánh giá “thì tương lai”. Giới nghiên cứu kinh tế cho rằng, có lẽ trách nhiệm với các dự báo chính là thương hiệu, là danh hiệu, tên tuổi của các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia nghiên cứu hơn là truy cứu trách nhiệm một cách đơn giản. Trong câu hỏi về trách nhiệm của các dự báo kinh tế vĩ mô, áp lực thuộc về năng lực và uy tín của chính những nguồn dự báo.