Trong nền kinh tế lấy tri thức làm nguồn lực chủ yếu thì dân tộc ta có ưu thế, bởi năng lực trí tuệ của học sinh Việt Nam trong các trường tiểu học và đại học không thua kém học sinh các nước khác.

Trong nền kinh tế lấy tri thức làm nguồn lực chủ yếu thì dân tộc ta có ưu thế, bởi năng lực trí tuệ của học sinh Việt Nam trong các trường tiểu học và đại học không thua kém học sinh các nước khác.

Chuyển hướng tăng trưởng dựa chủ yếu vào nguồn lực tri thức

Việt Nam cần chuyển nhanh hơn sang mô hình tăng trưởng mới dựa chủ yếu vào nguồn lực tri thức, để hướng đến mục tiêu năm 2020, GDP/ đầu người đạt 3.000-3.200 USD với năng suất và chất lượng cao hơn.

1. Khi Việt Nam đang ở thời khắc chuyển sang giai đoạn mới trong một thế giới đầy biến động và bất trắc về chính trị, khó dự báo sự biến động của thị trường và giá cả, cũng không thể lường hết những cuộc khủng hoảng toàn cầu hoặc khu vực, vì thế khó hình dung chính xác viễn cảnh của đất nước trong 5 năm, 10 năm và xa hơn.  Nhưng chắc chắn, đại bộ phận dân cư đều mong muốn và tin tưởng rằng, đây là thời điểm để tạo dựng tương lai của dân tộc theo hướng “tiến cùng thời đại”, với mục tiêu xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến.

Trải qua hơn 1/4 thế kỷ tăng trưởng dựa chủ yếu vào số lượng với vốn, tài nguyên và lao động, thì từ nay, Việt Nam cần hướng tăng trưởng vào năng suất và chất lượng dựa chủ yếu vào nguồn lực tri thức.

Mặc dù vốn, tài nguyên và lao động vẫn quan trọng, nhưng tri thức đang và sẽ là nguồn lực cơ bản. Việc phân bố nguồn lực để tạo ra của cải xã hội được quyết định bởi hiệu quả kinh tế và đổi mới, sáng tạo, được đo lường bằng “giá trị gia tăng” hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm và dịch vụ. Những lực lượng tiên phong trong xã hội là những lao động có tri thức, những nhà quản lý có tri thức, bởi vì họ là những người quyết định việc sử dụng có hiệu quả vốn và tài nguyên.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy rằng, những năm 50, 60 của thế kỷ XX, tỷ lệ lao động phổ thông trong tổng số lao động sản xuất và dịch vụ là 2/3; ngày nay chỉ còn 1/4, có nước ít hơn; do vậy đóng góp của chất xám vào tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quyết định.

Thực tiễn quá trình phát triển của Việt Nam cho thấy, khi đã đạt đến một trình độ nhất định, nếu tăng trưởng kinh tế vẫn đi theo lối mòn, thì tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, bởi vì không còn nhiều dư địa để khai thác theo mô hình cũ. Do vậy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại của nước ta cần được định hướng vào việc tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ, trong đó tăng nhanh hơn tỷ lệ lao động chất xám để tiếp cận nền kinh tế tri thức.

Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và những kế hoạch tiếp theo phải đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng trên cơ sở lựa chọn những ngành công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng không phải dựa chủ yếu vào thâm dụng vốn và lao động, mà vào nguồn lực tri thức để tạo ra năng suất lao động và giá trị gia tăng cao, chất lượng và hiệu quả hơn.

Chính sách công nghiệp phải lấy năng suất lao động và năng lực cạnh tranh làm nội dung chính để hình thành định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực, như cơ khí chế tạo, cơ khí điện tử, đồng thời tập trung nguồn lực vào việc xây dựng một số ngành công nghiệp tương lai mà nước ta có ưu thế như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp có liên quan đến đại dương.

Liên quan đến tăng trưởng dựa trên nguồn lực tri thức là công nghệ và chuyển giao công nghệ đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ thích hợp với từng ngành và lĩnh vực, thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước về chuyển giao công nghệ, khuyến khích cải tiến, đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, trở thành phong trào quần chúng thu hút sự tham gia tự giác của người lao động.

Đầu tư để tạo ra nguồn vốn tri thức đòi hỏi phải đồng bộ từ hệ thống giáo dục quốc gia, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội với số vốn khá lớn. Theo thống kê ở các nước phát triển, số vốn này chiếm khoảng 20% GDP, bao gồm chi tiêu của Chính phủ cho người dân trước khi họ tham gia lực lượng lao động, chi tiêu của các tổ chức sử dụng lao động: doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, giáo dục, xã hội để đào tạo lại và bổ sung tri thức; chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển để tạo ra nguồn tri thức mới.

Con số đó có khoảng cách khá lớn với chi tiêu để tạo ra nguồn lực tri thức của nước ta, cần được lưu ý để điều chỉnh tăng dần đến mức hợp lý nhằm tạo điều kiện chuyển sang mô hình tăng trưởng mới.

2. Chuyển sang tăng trưởng dựa chủ yếu vào nguồn lực tri thức đòi hỏi phải đổi mới tư duy không chỉ về kinh tế, mà còn về văn hóa và xã hội, vì nó đụng chạm đến những vấn đề cốt lõi của quốc gia: Nhà nước, thị trường, phương thức sản xuất và phương thức tiêu dùng.

Nhà nước, thị trường và quan hệ giữa hai chủ thể đó đang và sẽ biến đổi. Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế đã trải qua quá trình tự đổi mới để thích ứng với đòi hỏi của tình hình. Khi quy mô của nền kinh tế quốc gia tăng dần thì việc giảm bớt quyền lực tập trung của Nhà nước, trung ương, phân cấp cho chính quyền địa phương là hợp quy luật để phát huy “lợi thế khác biệt” của vùng kinh tế, tỉnh và thành phố.

Việc ra đời Cộng đồng ASEAN (AC) và tham gia các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi nước ta phải tuân thủ các định chế quốc tế từ lập pháp cho đến hành pháp. Cả hai yếu tố bên trong và bên ngoài đó đã làm cho một phần chức năng “Nhà nước dân tộc” chuyển cho chính quyền địa phương, chuyển sang AC và các định chế quốc tế, đòi hỏi cấu trúc lại bộ máy nhà nước và con người trong bộ máy đó để thực hiện chức năng và phạm vi quyền lực mới.

Thị trường cũng đang biến đổi sâu sắc theo hướng ngày càng trở thành phi vật chất (thị trường ảo) vượt ra khỏi khái niệm trao đổi hàng hóa cổ điển, do đó trở nên khó kiểm soát. Ngày nay, thị trường đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống con người và xã hội, có mặt ở khắp mọi nơi. Sự gắn kết giữa thị trường dân tộc với thị trường thế giới đang diễn ra phổ quát hơn. Sự tùy thuộc lẫn nhau giữa hai loại thị trường này càng sâu sắc hơn, nhất là đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Nhà nước và thị trường gắn bó với nhau hơn, ngày càng trở nên cần thiết đối với nhau, do đó ranh giới giữa chúng cũng khó phân biệt.

Phương thức sản xuất và phương thức tiêu dùng đang biến đổi. Trong khi vẫn duy trì sản xuất hàng loạt thì đang có xu hướng phát triển sản xuất đơn chiếc để thỏa mãn tiêu dùng cá nhân của một số đối tác. Trong khi các cửa hàng truyền thống vẫn phát triển với những phương thức bán hàng mới, tiện ích hơn, thì bán hàng qua Internet đang được gia tăng nhanh chóng. Không có một ngành kinh tế, lĩnh vực dịch vụ nào mà không có những thay đổi, thậm chí có những nghề truyền thống đã bị mai một.

Những biến đổi quan trọng như vậy làm cho đổi mới trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, ở đâu và lúc nào đang đổi mới thì ở đó và lúc đó tạo nên sự khác biệt về chất lượng công việc và hành động, đưa đến kết quả tốt hơn. Trì trệ, bảo thủ là kẻ thù của đổi mới.

3. Trong nền kinh tế lấy tri thức làm nguồn lực chủ yếu thì dân tộc ta có ưu thế. Năng lực trí tuệ của học sinh Việt Nam trong các trường tiểu học và đại học không thua kém học sinh các nước khác. Nhiều trường học tại những nước phát triển như Mỹ, Đức đã xếp học sinh Việt Nam vào top đầu về thành tích học tập. Tại các cuộc thi quốc tế về toán, vật lý, tin học, robot, học sinh Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn. Những môn thể thao dùng trí tuệ như cờ vua, cờ tướng thì các kỳ thủ Việt Nam thường được xếp hạng cao.

Có thể dẫn ra nhiều cá nhân tiêu biểu cho trí tuệ người Việt Nam. Nữ thạc sĩ Lê Duy Loan được giới công nghệ thông tin tôn vinh là “tài năng học thuật” vì có nhiều sáng chế trong lĩnh vực xử lý tín hiệu số DSP và analog, đã được Tập đoàn Texas Instruments (Mỹ), tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế bộ nhớ máy tính và sản xuất thiết bị bán dẫn silicon, bầu làm senior fellow - vị trí chuyên gia xuất sắc nhất, tương đương Phó chủ tịch Tập đoàn.

Em Trần Diệu Linh là một tài năng âm nhạc, gắn bó với đàn piano từ khi mới lên 5 tuổi. Diệu Linh và chị là Diệu Ân đã chu du khắp thế giới với những bản nhạc cổ điển, giành được hơn 30 giải thưởng âm nhạc tại Nga và châu Âu. Ngày 14/12/2015, mới 13 tuổi, em đoạt giải Nhất cuộc thi dành cho nghệ sĩ piano trẻ dưới 18 tuổi của Liên bang Nga, một quốc gia có trình độ âm nhạc hàng đầu thế giới.

Vài năm gần đây, ở nước ta bắt đầu bàn về doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong ngành công nghệ cao, nhất là công nghệ tin học, đến nay đã trở thành một trào lưu của thế hệ trẻ lập nghiệp bằng năng lực trí tuệ, trong đó nhiều người đã gây tiếng vang trong nước và ở một số nước khác.

Flappy Bird là minh chứng rõ nét cho start-up, một sản phẩm của trí tuệ Việt Nam được đón nhận ở khắp các nước và gây hứng khởi cho nhiều tài năng trẻ dấn thân vào khởi nghiệp.

Người Việt Nam cũng được các nhà đầu tư nước ngoài và chuyên gia quốc tế đánh giá là có tinh thần học hỏi và tiếp thu rất nhanh các bí quyết nghề nghiệp. Chỉ sau một vài công trình hợp tác quốc tế là có đủ năng lực triển khai các công trình khác có quy mô lớn hơn. 

Chẳng hạn, Hầm đèo Hải Vân dài 6,18 km, được Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn và kỹ thuật, công ty và chuyên gia Nhật Bản chỉ huy xây dựng. Sau công trình này, kỹ sư và công nhân Việt Nam đã đủ năng lực xây dựng hầm Đèo Cả dài 13,4 km, dự kiến hoàn thành vào quý III/2016, với thời gian xây dựng ngắn hơn nhiều so với hầm Hải Vân và giảm được hàng nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Cái được quan trọng nhất trong gần ba thập niên đổi mới và hội nhập chính là năng lực nội sinh của đất nước đã tăng lên gấp nhiều lần, không chỉ được đo lường bằng vật chất như tổng sản phẩm quốc nội hay vốn đầu tư xã hội, mà là trình độ khoa học và công nghệ, năng lực thiết kế và thi công những công trình quy mô lớn và hiện đại, năng lực quản trị nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Đó chính là tiền đề quan trọng để chuyển hướng tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức.

Tin bài liên quan