"Chưa bao giờ thân phận con người lại mong manh đến thế!"

"Chưa bao giờ thân phận con người lại mong manh đến thế!"

Đó là lời cảm thán của đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), đề cập tình trạng các nhà máy thủy điện xả lũ gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí cả tính mạng người dân khi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.      
Bà Dung nhắc lại việc Thủy điện Hố Hô và An Khê - Kanak mới đây xả lũ bất ngờ đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân vùng hạ du.
“Hai nhà máy này xả nước có đúng quy trình không? Nếu nói là đúng thì tại sao đến bí thư các tỉnh này cũng không được thông báo trước về việc xả lũ”, bà Dung chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc xả lũ đúng quy trình, bởi trước khi xả lũ, hai nhà máy thủy điện này đã thông báo cho chính quyền các địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không thông báo được do bị mất điện hoặc ở cấp xã không nghe điện thoại. Còn việc bí thư tỉnh, huyện, xã có thể không biết trước khi xả lũ, vì theo quy định, phó chủ tịch chính quyền địa phương là trưởng ban phòng chống lụt bão, chứ không phải là bí thư, nên nhà máy điện trước khi xả lũ không có trách nhiệm phải thông báo cho bí thư.

Sau khi được giải trình, bà Trần Thị Dung tỏ ra chưa bằng lòng. “Nhà máy Thủy điện Hố Hô, An Khê - Kanak xả lũ nhưng đến 5 giờ chiều mới thông báo cho người dân, chính quyền chỉ còn biết kêu gọi người dân di dời lên chỗ cao tránh lũ, nhưng trời thì tối, nước lũ tràn về lênh láng, người dân biết chạy đi đâu”, bà Dung nói.

"Chưa bao giờ thân phận con người lại mong manh đến thế!" ảnh 1

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc thủy điện xả lũ gây ngập lụt, ảnh hướng đến đời sống và cả tính mạng người dân 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) bày tỏ sự lo ngại về môi trường do hồ chứa bùn thải của Nhà máy Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, đặc biệt là sự cố tràn bùn đỏ.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, trong quá trình đầu tư, khai thác, vận hành, hai dự án trên tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Với sự cố tràn bùn đỏ xảy ra ngày 23/7/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sự cố này đã được nhà thầu, Ban quản lý dự án khắc phục kịp thời; Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có sự chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra, giám sát.

“Tuy nhiên, cũng rất cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ của các cấp chính quyền địa phương, vì đây là hai dự án vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đã đề cập thẳng vấn đề mà cử tri và Quốc hội đặc biệt quan tâm, đó là 5 siêu dự án thuộc quản lý của Bộ Công thương bị thua lỗ nhiều năm với số tiền thua lỗ đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

“Để xảy ra 5 dự án thua lỗ kéo dài không loại trừ có sự cố ý trong quản lý, quản trị điều hành doanh nghiệp”, ông Sinh nghi vấn và đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm toán, Bộ Công thương sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ với từng trường hợp cụ thể và báo cáo lại Quốc hội vào kỳ họp tới.

“Tinh thần xử lý là phải bảo toàn vốn, tài sản và lợi ích của Nhà nước; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó, thậm chí phải khởi tố hình sự đối với cá nhân cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng để không tái diễn tình trạng này. Sau khi có kết luận cụ thể, phương án xử lý đối với từng dự án có thể là bán, khoán, cho thuê hoặc cổ phần hóa, thậm chí có thể tiếp tục hoàn chỉnh dự án để khai thác hoặc cho phép phá sản”, ông Tuấn Anh cho biết.

Để xảy ra 5 dự án thua lỗ kéo dài không loại trừ có sự cố ý trong quản lý, quản trị điều hành doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, với các vấn đề bức xúc mà cử tri và đại biểu đặt ra thì các bộ trưởng cần trả lời thẳng vào vấn đề và nói rõ giải pháp khắc phục, có việc phải giải quyết ngay.

“Ví dụ quy trình xả lũ, bên dưới họ chỉ làm đến thế, nhưng quản lý phía trên phải bao quát để tránh hậu quả, bịt kẽ hở nhỏ nhất có thể xảy ra. Gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường, trách nhiệm phải rõ”, ông Xuyền nói.

Tin bài liên quan