Quy định liên quan đến hồ sơ thủ tục tại các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng chưa cụ thể, thiếu rõ ràng.

Quy định liên quan đến hồ sơ thủ tục tại các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng chưa cụ thể, thiếu rõ ràng.

“Chơi khó”

(ĐTCK) Đợt rà soát văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục xây dựng nhằm phục vụ việc sửa đổi hệ thống văn bản luật này khiến nhiều công chức bỗng nhiên cảm thấy bức xúc. Lý do của những bức xúc này là nhiều thủ tục quy định quá chung chung, không rõ ràng, khiến trách nhiệm của phía công chức thực hiện các thủ tục cũng bị liên đới một cách thiếu minh bạch. Thậm chí, có công chức thừa nhận, những quy định liên quan đến hồ sơ thủ tục tại các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng chưa cụ thể, thiếu rõ ràng, gây khó khăn lớn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, khả năng phát sinh những tiêu cực trong quá trình thực thi cũng không bị loại trừ.

Ví dụ, tại Luật Đầu tư, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư được quy định là phải có báo cáo năng lực tài chính. Báo cáo này do nhà đầu tư tự lập và tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó là giải trình kinh tế - kỹ thuật và bản giải trình đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng. Tuy nhiên, khó khăn là không có quy định nào về hình thức và nội dung chi tiết. Căn cứ để công chức có thể trả lời được câu hỏi của nhà đầu tư rằng hồ sơ đã đủ hợp lệ, hoàn chỉnh hay chưa khá mơ hồ. Cơ hội để phát sinh tiêu cực thường bắt đầu từ chính những sự mơ hồ như vậy.

Trong pháp luật về đất đai có quy định, hồ sơ xin giao đất, thuê đất phải có văn bản thoả thuận về địa điểm hoặc văn bản cho phép đầu tư hay văn bản đồng ý cho xây dựng công trình (Điểm b, Khoản 2, Điều 125 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003). Tuy nhiên, quy định này cũng trong tình trạng "lửng lơ" khi không có quy định nào về việc cấp hay "cho phép đầu tư" và "đồng ý cho xây dựng công trình".

Tương tự, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong quá trình lập và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhà đầu tư phải xin ý kiến Uỷ ban nhân dân và Mặt trận tổ quốc cấp xã (phường) về giải pháp bảo vệ môi trường và việc thực hiện dự án tại địa phương. Song, cái quy định rất cụ thể này lại khó có thể thực hiện được khi pháp luật về môi trường không đưa ra tiêu chí để trên cơ sở đó Mặt trận tổ quốc và Uỷ ban nhân dân xã (phường) cho ý kiến về dự án.

Trên thực tế, nhà đầu tư phải tuỳ cơ ứng biến để vượt qua những thủ tục kiểu "chơi khó" như vậy. Và cách xử lý "tuỳ cơ" cũng được các công chức áp dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hồ sơ đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Đương nhiên, điều này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư khi tiến hành thủ tục trên thực tế. Nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng về những tuỳ tiện của các công chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ khi yêu cầu nhà đầu tư phải bổ sung giấy tờ nọ, thêm bớt con dấu kia... Song, những phàn nàn này lại khó có thể là căn cứ để xem xét, đánh giá chất lượng làm việc của công chức. Lý do cũng bởi không có tiêu chí thống nhất để xác định công chức đó làm đúng hay sai so với các quy định. Và như vậy, sự thiếu minh bạch trong quy định về thủ tục đã kéo theo cả sự thiếu minh bạch trong cách hành xử, khả năng kiểm soát hoạt động của giới công chức.

Bản thân các công chức trực tiếp làm nhiệm vụ cũng trở nên bất an khi không đủ cơ sở để tự bảo vệ mình trước pháp luật, cũng như trước sự đánh giá của các nhà đầu tư. Trao đổi với phóng viên ĐTCK, rất nhiều công chức làm việc trực tiếp trong các cơ quan hành chính có liên quan thừa nhận, họ không thể dễ dàng cho các hồ sơ của nhà đầu tư đi qua cửa, mà không yêu cầu thêm một số giấy tờ theo họ là cần thiết. Mục tiêu của cách làm này hoàn toàn không phải để làm khó cho doanh nghiệp, mà là để đảm bảo an toàn cho họ trước lãnh đạo cơ quan và pháp luật. Chính vì vậy, sẽ có sự khác nhau trong xử lý cùng loại hồ sơ tương tự ở các công chức khác nhau, ở các địa phương khác nhau. Hơn thế, sự thiếu minh bạch này cũng khiến có thể hồ sơ qua cửa cơ quan này một cách thuận lợi, song lại tắc ở cơ quan khác mà nhà đầu tư khó định hình được lý do chính đáng…