Chờ bão qua hay chủ động giành lợi thế?

(ĐTCK) Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Saigon Invest mới đây đã đề nghị các đồng nhiệm không nên tiếp tục né tránh nguồn vốn ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tâm lý "chờ bão qua" của khá nhiều doanh nghiệp đang ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực của Chính phủ trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. "Điều tôi muốn chia sẻ, là nếu các doanh nghiệp co cụm thì không thể tạo ra giá trị gia tăng, không thể tạo nên sự chuyển biến tích cực cho nền kinh tế cũng như cho bản thân chính các doanh nghiệp", ông Tâm nói.

Vào thời điểm này của năm 2008, khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại bước vào cuộc đua tăng trần, nhiều doanh nghiệp đã không kịp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và bị sốc mạnh. Cả quãng dài suốt từ đó đến cuối năm, lại có nhóm doanh nghiệp trong tình trạng cố vay dù biết rằng không lợi nhuận nào bù đắp được mức lãi suất lên tới trên 20%/năm. Một bộ phận doanh nghiệp quyết định tạm dừng để chờ thời. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp đã phản ứng quá tiêu cực.

Vào thời điểm hiện tại, tình trạng trên đang lặp lại. Nhưng điểm khác biệt là hàng loạt giải pháp của Chính phủ đang hướng tới kế hoạch kích cầu đầu tư, phá băng tiêu dùng. Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại chỉ còn khoảng 6,5%/năm đối với các hợp đồng tín dụng được ưu đãi, thậm chí là 2,5%/năm đối với doanh nghiệp xuất khẩu có cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Các chính sách giảm thuế VAT, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp đang được thực hiện. Nhiều khả năng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng sẽ mở rộng đối tượng và tăng tính hỗ trợ khi những đề xuất giảm lãi suất cho vay ưu đãi (hiện giờ là 6,9%) xuống thấp hơn đã được đưa ra. Thậm chí, đang có thêm những kiến nghị về việc mở rộng hơn nguồn vốn cho gói giải pháp kích cầu để tăng hiệu quả thụ hưởng của chính các doanh nghiệp.

Song, đang có tới 7.000 doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Đây là thông tin từ đợt khảo sát doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 70% số doanh nghiệp ngành gỗ khu vực phía Nam đã phải thu hẹp sản xuất là thông tin từ Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm lao động tiếp tục tăng, trong khi chưa có một doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn cho vay trả lương từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam…

"Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn rõ ràng còn lớn và cần doanh nghiệp chủ động tham gia đề xuất, đóng góp thêm. Chúng ta cần mạnh dạn lên tiếng. Tôi tin tưởng rằng, hiện giờ Quốc hội, Chính phủ đang rất chia sẻ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên nghiên cứu thật thấu đáo để đề xuất các chính sách phù hợp", ông Tâm nói.

Ngay cả với tình trạng cắt giảm lao động đang nổi cộm, ông Tâm cho rằng, có nhiều giải pháp tích cực hơn việc sa thải số lượng lớn lao động. "Có thể chỉ chọn 15% trong số 30% thuộc diện sa thải để chia ca với số lao động còn lại. Có thể thời gian lao động chỉ là 5 ngày thay vì 6 ngày để cắt giảm chi phí, lương lao động có thể giảm,  song có thêm 15% lao động có thu nhập cũng là một đóng góp lớn của doanh nghiệp", ông Tâm phân tích.

Những dấu hiệu mới từ thị trường Mỹ đang đem đến kỳ vọng cho nhiều doanh nghiệp về khả năng đáy của khủng hoảng đang quanh quẩn. Nếu như vậy, có thể sự ổn định trở lại của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu sẽ đúng vào cuối năm 2010 như nhiều dự báo. Với dự báo này, thì khả năng vào quý IV/2009, một dòng đầu tư mới sẽ trở lại để đón đầu cơ hội, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, do họ cần ít nhất khoảng 1 năm để triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng, đào tạo công nhân. Nếu vậy, việc duy trì và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động hiện có của các doanh nghiệp sẽ là nền tảng vững vàng để các doanh nghiệp trở lại.

Tất nhiên, sự chủ động của các doanh nghiệp lại phụ thuộc rất lớn vào sự sẵn sàng đón nhận và sẵn sàng cải cách của Chính phủ trong các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, các kiến nghị của doanh nghiệp về tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi, hợp lý hoá thủ tục hành chính, thay đổi chính sách… đang dày đặc trên các bàn thảo luận, trên các phương tiện thông tin đại chúng.