Chính sách tài chính đấu giá cần sớm được sửa đổi

Chính sách tài chính đấu giá cần sớm được sửa đổi

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Thành viên Hội đồng quản trị Lạc Việt Group cho biết, các doanh nghiệp đấu giá đang gặp nhiều khó khăn liên quan tới các khoản thu phí và thù lao. Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, các quy định về chế độ tài chính trong lĩnh vực đấu giá cần sớm được thay đổi. 

Hiện nay quy trình đấu giá đang thực hiện như thế nào? Đâu là lý do để Lạc Việt mở hệ thống đấu giá trực tuyến theo hướng chuyên nghiệp tại Việt Nam?

Việc sử dụng con người trong quy trình bán đấu giá rất vất vả, tốn kém và không đạt nhiều hiệu quả.

Quy trình một phiên đấu giá theo đúng trình tự tại Luật Đấu giá tài sản 2016 từ lúc đấu thầu cho đến khi ký hợp đồng mua bán tài sản, thanh lý hợp đồng đấu giá gồm nhiều bước, bao gồm thương thảo hợp đồng, lập hồ sơ đấu giá, phát hành hồ sơ, thu tiền đặt cọc của khách hàng đăng ký đấu giá…, nên rất dễ xảy ra sai sót, dẫn đến kiện tụng, khiếu nại rất phức tạp.

Mặt khác, các phiên đấu giá truyền thống thường phải tập trung đông người, vi phạm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các phiên đấu giá bị đình trệ và liên tục phải hoãn gia hạn bán hồ sơ, thay đổi ngày giờ, địa điểm mở phiên bởi tránh tụ tập đông người.

Từ thực tế cấp bách này, Lạc Việt đôn đốc đội ngũ kỹ thuật lập trình viên khẩn trương hoàn thành hệ thống đấu giá trực tuyến và gửi đề án lên Sở Tư pháp xin sớm được cấp phép.

Việc thực hiện đấu giá trực tuyến sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước?

Với việc áp dụng toàn bộ công nghệ số trong giao dịch trực tuyến, hệ thống đấu giá trực tuyến sẽ vận hành dựa trên môi trường số, thay vì quản lý và vận hành trực tiếp bởi con người, nên sẽ giảm tối đa sai sót cả khách quan và chủ quan do lỗi của con người gây ra.

Đó là chưa kể với hệ thống trực tuyến, khi mọi thủ tục pháp lý hoàn thiện, mỗi ngày có thể diễn ra vài phiên đấu giá, điều khó có thể thực hiện đối với hình thức đấu giá truyền thống, giúp các doanh nghiệp đấu giá cải thiện được doanh thu, lợi nhuận.

Bên cạnh đó, xét về mặt luật pháp, mọi thủ tục, trình tự của đấu giá trực tuyến đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Chẳng hạn, với công đoạn thu tiền đặt cọc của khách hàng, doanh nghiệp chỉ được thu tiền 3 ngày trước ngày diễn ra cuộc đấu giá và khách hàng không trúng sẽ được nhận lại tiền trong vòng 3 ngày làm việc sau ngày kết thúc cuộc đấu giá.

Công ty đấu giá không được phép sử dụng tiền đó trong bất kỳ trường hợp nào.

Với những thủ tục chặt chẽ như vậy đòi hỏi pháp nhân chính danh của công ty đấu giá cũng phải được thẩm định rất kỹ lưỡng.

Theo quy định hiện hành, pháp nhân được cấp phép đấu giá trực tuyến theo quy định sẽ phải là một công ty hợp danh, chịu trách nhiệm vô hạn nếu để xảy ra sai sót hay bất kỳ thiệt hại gì cho các bên liên quan do lỗi của công ty gây ra.

Về phía khách hàng, đấu giá trực tuyến sẽ hạn chế việc tập trung đông người, giảm sự phiền hà do không còn phải đi lại nhiều lần để làm các thủ tục đấu giá.

Theo đó, khách hàng giờ đây chỉ cần tìm hiểu hồ sơ đấu giá trên hệ thống, đăng ký, chuyển khoản các chi phí và tiền đặt trước theo quy định, trả giá vào thời điểm tùy ý, tránh bị tác động bởi tâm lý thắng thua.

Với ngân sách nhà nước, đấu giá trực tuyến sẽ góp phần tăng thu, tránh thất thoát bởi hoàn toàn giao dịch qua tài khoản.

Khai trương hệ thống trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước và thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, khó khăn nào doanh nghiệp sẽ phải đối mặt? Bà có kiến nghị gì để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay?

Chúng tôi quyết tâm mở hệ thống đấu giá trực tuyến giai đoạn này để đón đầu nhu cầu đấu giá gia tăng, song cũng xác định sẵn sàng đối mặt với khó khăn từ thị trường.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bán đấu giá gần như không có doanh thu, nếu có cũng không đáng kể bởi tác động từ dịch bệnh và chắc chắn khó khăn sẽ còn kéo dài ít nhất là tới cuối năm.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đấu giá tài sản trực tuyến là cách bán hàng mới nên cần có thời gian để khách hàng tìm hiểu.

Hiện tại, các doanh nghiệp đấu giá đang gặp vướng mắc về chính sách tài chính, cụ thể là về các khoản thu phí và thù lao, nên rất cần được tháo gỡ.

Lâu nay, doanh nghiệp là bên in ấn hồ sơ và là người phát hành hồ sơ đấu giá, nhưng khoản tiền thu được từ việc bán hồ sơ lại được khấu trừ vào dịch vụ đấu giá tài sản mà sau khi quyết toán nghiệm thu doanh nghiệp đấu giá mới được hưởng, trong khi khung thù lao bị hạn chế ở mức trần là 300 triệu đồng.

Điều này dẫn đến việc càng đông khách hàng tham gia đấu giá thì doanh nghiệp càng lỗ. Để giúp doanh nghiệp đấu giá tháo gỡ khó khăn, từ đó phát triển ổn định, các quy định về chế độ tài chính trong lĩnh vực đấu giá cần sớm được sửa đổi.

Tin bài liên quan