Chính sách còn bao bọc, thời tiết bất lợi nhưng nông nghiệp 2017 sẽ về đích thành công

Chính sách còn bao bọc, thời tiết bất lợi nhưng nông nghiệp 2017 sẽ về đích thành công

(ĐTCK) Dù diễn biến thời tiết có phần bất lợi nhưng năm 2017 sẽ là một năm ngành nông nghiệp Việt Nam về đích thành công, dự kiến tăng trưởng 3% so với năm ngoái. 

Quan điểm được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức chiều nay (4/12). 

Trong đó, thủy sản là điểm sáng với mức tăng 6%, lâm nghiệp tăng 6%-6,5% so với cùng kỳ, trong khi 6 tháng cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ngành ở mức âm.  

Về xuất khẩu, tính hết tháng 11, toàn ngành xuất khẩu đạt giá trị 33,1 tỷ USD, phấn đấu  đạt trên 36 tỷ USD trong năm nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dự kiến 13% khá cao so với thời kỳ trước.

Theo ông Tuấn, kết quả này đến từ việc rút bài học kinh nghiệm thời kỳ trước cùng sự đóng góp tích cực của cả nông dân và doanh nghiệp.

Ở góc độ Nhà nước, ông Tuấn cho rằng bên cạnh những thành quả đạt được, cần thấy chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp chưa thực sự “roi vọt”. Mặc dù các chính sách đã đưa lại kết quả tích cực ban đầu nhưng cũng cần có những thay đổi để chính sách đi vào cuộc sống.

“Chính sách hiện đang rất bao bọc nhưng ngân sách còn rất ít, 284 tỷ USD với 64 dự án. Như vậy cho thấy sự không cân đối giữa chính sách với ngân sách phân bổ”, ông Tuấn nói.

Riêng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Tuấn cho biết hiện đã có 33 nghìn tỷ trong gói 100 nghìn tỷ hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao được giải ngân.

Liên quan đến thắc mắc và góp ý, đại diện câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao ông Đỗ Văn Huệ cho rằng, hiện nay chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia nông nghiệp công nghệ cao còn chưa thực sự hiện quả, thủ tục thành lập vùng nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa rõ ràng và không đồng nhất gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp, nhất là trong công tác thu hút vốn.

Thêm vào đó, sàn giao dịch nông sản dù có nhưng thực sự chưa chú trọng trong thương mại điện tử truy suất nguốn gốc. Theo đó, ông Huệ đề xuất ý kiến về việc cho tư nhân được tham gia xây dựng nền tảng giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực nông sản.

Về vấn đề này, ông Tuấn thừa nhận và nói thêm trong thời gian qua hoạt động tại các sàn giao dịch thương mại dù có nhưng ngày càng trầm lắng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá lại đồng thời khuyến khích sự phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động của sàn bởi xu hướng hình thành sàn giao dịch thương mại nông sản là tất yếu 

Tin bài liên quan