Chính phủ “tuýt còi” Hải Phòng cưỡng ép doanh nghiệp nộp phí hạ tầng cảng biển

Chính phủ “tuýt còi” Hải Phòng cưỡng ép doanh nghiệp nộp phí hạ tầng cảng biển

(ĐTCK) UBND quận Hải An (TP. Hải Phòng) lại vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có những lô hàng hoá đã xuất khẩu, nhập khẩu qua các cảng của TP. Hải Phòng nộp phí nếu không sẽ bị xử phạt và dừng cho hàng hóa xuất nhập khẩu vào cảng.

Không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ? 

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 9014/VPCP –KTTH ngày 24/8/2017 gửi Bộ Tài chính và UBND TP. Hải Phòng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng. 

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan này thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5036/VPCP-KTTH ngày 16/5/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Nội dung tại công văn 5036 có nêu rõ, yêu cầu UBND TP. Hải Phòng tổ chức rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng phù hợp với khả năng đóng góp và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Công văn 9014 được ban hành ngay sau khi UBND quận Hải An, TP. Hải Phòng ra thông báo số 1088 TB - UBND ngày 21/8/2017, yêu cầu các doanh nghiệp có những lô hàng hoá đã xuất khẩu, nhập khẩu qua các cảng của TP. Hải Phòng từ ngày 1/1/2017 đến nay chưa nộp phí, khẩn trương thực hiện nộp phí những lô hàng đó trước ngày 15/9/2017.

Nếu sau ngày 15/9/2017, doanh nghiệp vẫn chưa nộp phí, UBND quận Hải An sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính, áp dung biện pháp khắc phục hậu quả theo quy đinh tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ Sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP. 

Cũng theo thông báo của UBND quận Hải An, địa phương này sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định định cùa Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/ND-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp các doanh nghiệp không tự giác chấp hành.  

Không chỉ có vậy, UBND quận Hải An trong thông báo này còn nhấn mạnh: “Từ ngày 21/8/2017, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi của Hải Phòng sẽ dừng cho hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào cảng biển nếu doanh nghiệp chưa chấp hành nghĩa vụ nộp phí và quận Hải An sẽ thông báo danh sách các lô hàng này để cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi thực hiện”.

Cơ quan này cho rằng, tại Quyết định số 1637, QĐ-UBND tháng 6/2017, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành quy chế thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng. Trong quá trình triển khai thu phí, hầu hết doanh nghiệp chấp hành, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp cố tình "chây ỳ", chưa nộp theo quy định.

Doanh nghiệp bức xúc

Vụ việc thu phí cảng biển Hải Phòng từ đầu năm nay đã khiến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI vô cùng bức xúc bởi sự tùy tiện đặt ra quy định thu phí theo kiểu phí chồng phí, làm gia tăng chi phí và giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó tổng thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp (VPSF) khẳng định, có nhiều điều bất hợp lý khi Hải Phòng ban hành Nghị quyết thu phí. Trước hết, thời gian ban hành và áp dụng ngay của Nghị quyết 148/2016/NĐ-HĐND thu phí đã khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay và rất bị động khi toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.

Bên cạnh đó, với việc tận thu theo kiểu phí chồng phí, Nghị quyết 148 của HĐND TP. Hải Phòng đang đi ngược hoàn toàn các chủ trương của Chính phủ về đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

VPSF cũng nhấn mạnh, quy định thu phí của Hải Phòng là vi phạm Điều 3, GATT của WTO về đối xử quốc gia, đã được nội luật hoá thành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia năm 2000 và hàng loạt hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã ký kết khi chỉ áp dụng phí này với hàng xuất nhập khẩu, mà không áp dụng đối với hàng trong nước (hàng hoá di chuyển nội địa thông qua cảng biển Hải Phòng).

Ngoài ra, theo VPSF, Nghị quyết 148 có dấu hiệu ban hành trái pháp luật và theo Điều 165 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

VPSF đã nhiều lần đề xuất UBND TP. Hải Phòng tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp và hiệp hội để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời cùng các hiệp hội gửi nhiều công văn kiến nghị tới Chính phủ giải quyết vụ việc này.

Chính phủ “tuýt còi” Hải Phòng cưỡng ép doanh nghiệp nộp phí hạ tầng cảng biển ảnh 1

 Có nhiều điều bất hợp lý khi Hải Phòng ban hành Nghị quyết thu phí

Về phía cơ quan quản lý, tháng 2/2017, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã yêu cầu Hải quan Hải Phòng dừng ngay việc bắt doanh nghiệp phải trình các loại giấy tờ ngoài chuyên ngành hải quan, trong đó có giấy chứng nhận liên quan đến việc nộp phí hạ tầng cảng biển để thông quan hàng hóa theo đề nghị của quận Hải An. Theo Tổng cục Hải quan, yêu cầu này của Hải quan Hải Phòng là không đúng quy định pháp luật.

Còn theo bà Phạm Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), quy định thu phí của Hải Phòng đang đi ngược với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

“Sự tùy ý trong việc ra quyết định của Hải Phòng chỉ xét tới lợi ích của ngân sách địa phương, bỏ qua lợi ích của doanh nghiệp. Vì vậy, kiến nghị cần bãi bỏ ngay quy định về việc thu phí này", đại diện CIEM nhấn mạnh.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí nêu về thuế, phí.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này sau khi Báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh kiến nghị của VPSF và 5 hiệp hội (Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics, Hiệp hội Bông sợi, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam) về việc tổ chức đối thoại công - tư, xem xét điều chỉnh mức thu phí cửa khẩu cảng hiển Hải Phòng trước những quan ngại của doanh nghiệp về gánh nặng từ mức phí cao, làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan