Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau 7 năm đàm phán.

Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau 7 năm đàm phán.

Chính phủ muốn Quốc hội thông qua EVIPA đồng thời với EVFTA

Tuy Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) còn phải đợi Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn, tức là cần một khoảng thời gian khá dài nữa, nhưng Chính phủ muốn vẫn kiến nghị Quốc hội phê chuẩn EVIPA ngay tại Kỳ họp thứ 9, đồng thời với EVFTA.

Trong báo cáo được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, theo quy định, EVIPA sẽ chỉ có hiệu lực khi Việt Nam, EU và tất cả các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn theo pháp luật của mình.

Hiện tại, EVIPA mới được Nghị viện châu Âu và Nghị viện Hungary và Cộng hòa Séc phê chuẩn, nên còn cần Nghị viện của 26 nước thành viên EU còn lại phê chuẩn nữa. Tuy vậy, Chính phủ vẫn đề xuất Quốc hội phê chuẩn EVIPA tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, mà không nhất thiết phải chờ toàn bộ các thành viên EU hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định.

Lý do, về cơ sở pháp lý, việc phê chuẩn Hiệp định là nghĩa vụ của Việt Nam và EU phù hợp với quy định tại Điều 4.13 của Hiệp định. Theo đó, mỗi Bên có toàn quyền quyết định việc thực hiện trình tự, thủ tục và thời điểm phê chuẩn Hiệp định theo pháp luật của mình mà không phụ thuộc vào việc thực hiện các thủ tục tương ứng của Bên kia. 

Theo Chính phủ, thì việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định trong khi các thành viên EU chưa hoàn tất thủ tục này cũng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của Việt Nam. Các quyền, nghĩa vụ của mỗi Bên theo quy định của Hiệp định chỉ được thực hiện sau khi cả hai Bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ của mình để Hiệp định chính thức có hiệu lực.    

Lý do thứ hai, về chính trị, đối ngoại, theo Chính phủ, hiện nay, Nghị viện châu Âu (với tư cách là một khối thống nhất) đã phê chuẩn đồng thời cả EVFTA và EVIPA. Do vậy, việc Quốc hội Việt Nam thực hiện thẩm quyền phê chuẩn tương tự là cần thiết, thể hiện sự đối đẳng trong quan hệ Việt Nam- EU. 

“Điều đó cũng góp phần khẳng định Việt Nam là đối tác có thiện chí và trách nhiệm cao trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết, đồng thời thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn của nước mình”, Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một lý do quan trọng, đó là với môi trường đầu tư, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp (trong đó có các doanh nghiệp EU) không chỉ kỳ vọng vào những cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo EVFTA, mà còn mong đợi EVIPA sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam. 

“Do vậy, việc Quốc hội phê chuẩn đồng thời cả Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA sẽ góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới, hội nhập, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh”, Chính phủ bày tỏ quan điểm của mình như vậy.  

Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. 

Khi cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, sẽ có những tác động tích cực về chính trị, an ninh quốc gia và đối ngoại.

Quan trọng không kém, EVFTA và EVIPA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế. 

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn (giai đoạn 2019-2021), tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào phi thuế quan có tác động tích cực hơn đến tăng trưởng GDP.  So với trường hợp không tham gia các hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm từ 0,28% đến 0,63%/năm. 

Trong trung hạn (giai đoạn 2022-2024), việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan và gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có tác động nổi trội đến tăng trưởng GDP. So với trường hợp không tham gia các hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm từ 1,24% đến 2,02%/năm.

Trong khi đó, trong dài hạn (giai đoạn 2025-2030), việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam và sự cải thiện năng suất là những nhân tố chính tác động mạnh đến tăng trưởng GDP, thương mại và những tác động này sẽ được cộng hưởng bởi việc cắt giảm thuế quan. 

Dưới tác động tổng hợp của việc cắt giảm thuế, các hàng rào phi thuế quan, gia tăng FDI và cải thiện năng suất thì so với trường hợp không tham gia các hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm từ 3,53% đến 4,37%/năm.

Việc tham gia các hiệp định này cũng dự kiến sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tạo việc làm và thu nhập của người lao động. Theo đó, trong ngắn hạn, trung bình mỗi năm sẽ tạo thêm từ khoảng 26.000 đến 66.000 việc làm; trong trung hạn, tạo thêm từ 56.000 đến 81.000 việc làm; trong dài hạn, tạo thêm từ 43.000 đến 34.000 việc làm.

Tin bài liên quan