Xuất khẩu ước đạt trên 213 tỷ USD trong năm 2017, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn 36 tỷ USD, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất khẩu ước đạt trên 213 tỷ USD trong năm 2017, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn 36 tỷ USD, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chìa khóa vàng cho tăng trưởng

Đâu là chìa khóa vàng cho tăng trưởng của Việt Nam sau những thành quả hội nhập kinh tế 2017 và nhìn lại 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)?

Khép lại 10 năm hội nhập

Năm 2017 qua đi cũng khép lại 10 năm kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Nhiều thành tựu kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất đáng ghi nhận.

Trong đó có thành tựu từ hội nhập mang lại, như FDI đạt 36 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư của Việt Nam dần được cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại tệ tăng lên đạt 51,5 tỷ USD trong bối cảnh duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái, cho thấy cán cán thanh toán đạt thặng dư bền vững.

Bên cạnh đó, gần 13 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, cho thấy tiềm năng thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kim ngạch ngoại thương ước đạt gần 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 213 tỷ USD, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

So với cách đây 10 năm, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng 2,84 lần và thu nhập bình quân đầu người cũng đã cải thiện đáng kể với mức tăng hơn 2,59 lần so với 10 năm trước.

Tuy nhiên, so với cùng giai đoạn 10 năm gia nhập WTO của Trung Quốc, những con số này của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, so với 10 năm trước quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã tăng đến 5,82 lần, trong khi thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đến 5,52 lần.

Đặc biệt, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, quy mô thương mại quốc tế của Việt Nam đã tăng đến 3,6 lần so với 10 năm trước, đạt mức gần 425 tỷ USD năm 2017.

Nhưng một lần nữa, nếu so với mức tăng quy mô thương mại quốc tế lên đến 5,94 lần của Trung Quốc, thì mức tăng này của Việt Nam vẫn chưa đáng gì.

Thực ra, Việt Nam đã có thể đạt được những con số tăng trưởng trên đây sớm hơn 10 năm, nếu như nền kinh tế không bị hụt chân vào những năm sau gia nhập WTO.

Nhìn ở chiều ngược lại, nếu không nhờ những thành tích tăng trưởng bứt phá trong ít năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2017, thì có thể phải chờ thêm một hay vài năm nữa, Việt Nam mới có thể đạt được những con số của 10 năm kể trên.

Không có FTA tầm cỡ

Năm 2017 không được gọi là năm của hội nhập như năm 2015, bởi không có FTA mới và tầm cỡ được ký kết, nhưng sự lan tỏa và tác động của hội nhập đến nền kinh tế đang trở nên sâu rộng hơn bao giờ hết.

Lần thứ hai sau 11 năm, APEC được tổ chức tại Việt Nam, nhưng nền kinh tế sẽ không có sự bùng nổ và đổ vỡ (“boom and bust”) như 10 năm trước, bởi năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã cải thiện hơn trước và Chính phủ đã học được ít nhiều bài học về quản lý dòng vốn và khủng hoảng.

Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu được hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập, nhưng không hoàn toàn bởi hội nhập, mà bởi một số cải cách bắt đầu được tiến hành.

Chính các cam kết về cải tổ hệ thống chính trị để thích ứng với kinh tế, các cải cách về chất lượng thể chế, pháp luật, việc áp dụng các thông lệ trong điều hành các chính sách kinh tế và quản trị nhà nước theo hướng minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả đã giúp tạo ra các đòn bẩy cho phát triển.

Các cải cách về thị trường hàng hóa, thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường lao động, đất đai, tài nguyên, khoa học công nghệ, các cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng… làm cho nguồn lực bắt đầu được chuyển dịch, tái phân bổ theo hướng hiệu quả và năng suất hơn.

Môi trường kinh doanh cũng dần được cải thiện để bắt kịp và hòa nhập với các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ của các nước ASEAN-4 và OECD.

Cùng với đó, trình độ dân trí cũng được nâng lên, người dân được mở mang tầm hiểu biết của mình không nhất thiết bằng hệ thống trường lớp, mà bằng khả năng tự học hỏi, tiếp thu các tri thức của văn minh nhân loại nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng số hóa, AI, IoT, cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù Việt Nam vẫn đang tiếp tục thúc đẩy ký kết các FTA mới nhằm mở rộng thêm không gian kinh tế, nhưng lợi ích thương mại tăng thêm trên mỗi cam kết như vậy sẽ không còn nhiều và đang giảm dần.

Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, các đối tác thương mại và đối tác đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã ký FTA trực tiếp với Việt Nam hoặc FTA trong vai trò là thành viên của ASEAN.  

 Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, quy mô thương mại quốc tế của Việt Nam đã tăng đến 3,6 lần so với 10 năm trước, đạt mức gần 425 tỷ USD năm 2017.

Hai FTA thế hệ mới mà Việt Nam trông chờ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đều đang gặp một số trục trặc.

Với TPP, sau khi Hoa Kỳ rút lui, Việt Nam và các quốc gia còn lại đã bắt đầu những cuộc đàm phán mới và đạt được thỏa thuận cơ bản vào tháng 11/2017 trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, đồng thời nhất trí đổi tên hiệp định thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).

Mặc dù một số điều khoản đã bị treo lại và một số điều khoản khác cần được tiếp tục đàm phán, song một CPTPP (dự kiến sẽ được ký vào tháng 2/2018 tại Chile) không có Mỹ - một đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đương nhiên sẽ bỏ qua một số lợi ích tiềm năng đối với Việt Nam, cũng như nhiều nước thành viên.

Tương tự, EU cũng là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, việc EVFTA bị chậm so với kế hoạch cũng có khả năng làm giảm động lực cải cách và tăng trưởng của Việt Nam.

Cải tổ là đòn bẩy của phát triển

Tuy nhiên, như đã phân tích, những lợi ích tăng thêm trên một đồng thuế suất được cắt giảm đối với Việt Nam không thực sự lớn bằng những cải cách giảm chi phí và cải thiện năng suất từ bên trong.

Chính những cải cách từ bên trong, từ chính các yếu kém nội tại của nền kinh tế mới thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế. Việc trì hoãn các cải cách cơ cấu bên trong mới đáng ngại, chứ không phải là sự chậm trễ trong việc ký kết và thực thi các hiệp định.

Nhiều phân tích đã chỉ ra, Việt Nam, ngay hiện nay (chứ không phải từ 10 năm trước), từ các bộ, ngành và địa phương cho đến khu vực kinh tế trong nước, đã rất thiếu sự chuẩn bị cho hội nhập và sự chậm trễ trong việc thực thi các hiệp định đôi khi lại là thời giờ vàng để Việt Nam có thể chuẩn bị một cách chu đáo hơn các nền tảng và năng lực hội nhập.

Cho đến nay, nhiều cải cách của Việt Nam vẫn còn đang dang dở và chưa thực chất, trong đó quan trọng nhất vẫn là chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước. Các cải cách chính trị và chống tham nhũng có thể có tác động tiêu cực ngắn hạn lên tăng trưởng, nhưng về mặt dài hạn sẽ tốt cho tăng trưởng.

Lợi thế cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu không phải là nhờ cắt giảm thuế quan, hay việc các nước xóa bỏ các hàng rào bảo hộ, mà là nhờ năng suất.

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) gần đây, Thủ tướng đã phát biểu “cải thiện năng suất chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia”, là chìa khóa để “cải thiện thu nhập và nâng cao phúc lợi của người dân”.

Để cải thiện năng suất vốn, Việt Nam phải tiến hành mạnh mẽ các cải cách khu vực tài chính và hệ thống ngân hàng, dòng vốn phải được dịch chuyển vào những nơi có năng suất vốn cao nhất, xóa bỏ tín dụng chỉ định, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải cách quyết liệt khu vực doanh nghiệp nhà nước như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Diễn đàn VDF, bởi đây là khu vực nắm giữ một nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng lại kém hiệu quả nhất; các chính sách đất đai, quyền sở hữu đất, hạn điền và một thị trường thứ cấp về đất đai cần được thúc đẩy.

Đối với năng suất lao động, đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cải cách, bởi chỉ có thể cải thiện được thu nhập và nâng cao phúc lợi của người dân khi năng suất lao động tăng lên.

Để cải thiện được năng suất lao động, điều quan trọng có tính xuyên suốt là phải tăng cường đầu tư và cải thiện chất lượng giáo dục với chuẩn mực tối thiểu phải là người có văn hóa, là công dân tốt, là một người có năng lực, có tri thức, có kỹ năng thích ứng với nghề nghiệp, làm chủ được sự nghiệp bản thân và kinh tế gia đình.

Nâng cao năng lực cho người lao động là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là cải thiện môi trường làm việc, xây dựng cơ chế khuyến khích để người lao động có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa năng lực làm việc, tư duy độc lập và sáng tạo, cả trong khu vực công lẫn khu vực tư.

Khuyến khích người dân làm giàu chính đáng dựa trên tài năng thực sự, chứ không phải dựa trên quan hệ, đặc quyền đặc lợi, kiếm chác từ lỗ hổng của pháp luật.

Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng hơn, đó chính là cải thiện năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).

Để làm điều này, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách trên phương diện thể chế và năng lực quản trị nhà nước; tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, tăng chi tiêu cho R&D, thúc đẩy sự ra đời của thị trường khoa học công nghệ, bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.

Chìa khóa của tăng trưởng bền vững

Tựu trung, chìa khóa để hội nhập thành công không phải từ những cơ hội mở ra của các FTA, mà là việc chúng ta vượt qua các thách thức như thế nào. Chỉ có những cải cách then chốt từ chính nội tại để nền kinh tế có thể đi lên được từ nội lực mới là chìa khóa cho hội nhập và tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, những cải cách thường không mang tính tự nguyện và những thúc ép là cần thiết.

Trong khi những thúc ép từ bên trong không đủ mạnh, thì việc biến những cam kết với bên ngoài thành sức ép cải cách đối với bên trong là yếu tố then chốt để thành công như kinh nghiệm học được từ Trung Quốc 15 năm trước.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, mở ra động lực và gia tăng niềm tin vào khả năng Việt Nam còn có thể đạt được nhiều kết quả kinh tế quan trọng hơn.

Năm 2018 đan xen những thách thức là cơ hội, nhưng cơ hội lớn nhất chính là những cải cách khó khăn nhất đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ. Hy vọng chúng ta sẽ được tiếp tục chào đón những tin vui từ những thành quả kinh tế - xã hội mới sau 365 ngày nữa.

Tin bài liên quan