Không ít khoản tín dụng chậm về tới doanh nghiệp do các thủ tục hành chính

Không ít khoản tín dụng chậm về tới doanh nghiệp do các thủ tục hành chính

Chi phí thủ tục

(ĐTCK) Yêu cầu về một cửa trong thủ tục hành chính lại được đặt ra một cách gay gắt khi chi phí đầu tư đang là trở ngại của nhiều dự án

Không nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với cơ chế bảo lãnh tín dụng mà Chính phủ đã dành riêng cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tại một số địa phương như TP. HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, con số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng thông qua cơ chế này hiện chỉ có 3 - 4 doanh nghiệp.

Điều ngáng trở lớn nhất, theo các chuyên gia khảo sát thực tế, đó là các quy định chưa thật hợp lý, có phần chồng chéo liên quan đến điều kiện bảo lãnh, hồ sơ, trình tự thủ tục bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh.

"Rất khó cho doanh nghiệp khi phải chứng minh được là có đủ các điều kiện về không nợ đọng thuế, không nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng… trong hồ sơ vay vốn và xin bảo lãnh tín dụng. Ai và cách nào để doanh nghiệp chứng minh được điều này? Có đơn vị nào đứng ra xác nhận cho doanh nghiệp hay không?", ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Đó là chưa kể cùng một mục tiêu vay vốn, doanh nghiệp phải đi qua hai cửa, một là cửa ngân hàng thương mại với tư cách là bên cho vay, hai là cửa Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - bên bảo lãnh. Để vượt qua các cửa ải này, doanh nghiệp sẽ phải làm các bộ hồ sơ khác nhau phù hợp với mục tiêu, tiêu chí, cách đánh giá của các đơn vị cho cùng một khoản vay.

Điều đáng nói là bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh cho dù cùng thẩm định đánh giá một dự án, phương án kinh doanh, song lại có phương pháp khác nhau, điều kiện khác nhau và ra kết quả không giống nhau. Như vậy, tình trạng hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp tắc ở một trong hai cửa là dễ hiểu. Và cũng khó có thể truy cứu trách nhiệm của các đơn vị trong những trường hợp này, vì mục tiêu hoạt động của các đơn vị khác nhau sẽ có những điều kiện, tiêu chí khác nhau.

Cửa ải lớn nữa chính là quy định vay theo quy chế hiện hành cho các khoản vay có bảo lãnh này. Cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đảm bảo có tài sản thế chấp. Đây là khó khăn mà rất ít doanh nghiệp có thể vượt qua. Đây cũng là lý do chính mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận với nguồn tín dụng thương mại ngay cả khi tình hình kinh tế phát triển bình thương.

Cũng phải thấy rằng, các ngân hàng thương mại không mặn mà lắm với hoạt động này, vì họ không được bảo lãnh vô điều kiện. Hơn thế, có quá nhiều rủi ro ngoài tầm kiểm soát của bên nhận bảo lãnh khiến họ có thể bị từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong nhiều trường hợp, mà lỗi không thuộc về bên nhận bảo lãnh. Chẳng hạn, doanh nghiệp vi phạm hợp đồng bảo lãnh vay vốn hoặc chứng thư bảo lãnh, sử dụng vốn vay sai mục đích mà phía ngân hàng không thông báo kịp cho VDB…

"Thử phân tích điều kiện bị từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như bên nhận bảo lãnh không thông báo cho VDB khi bên được bảo lãnh thua lỗ hoặc nợ thuế sẽ thấy thủ tục không hề đơn giản. Làm sao mà ngân hàng biết được doanh nghiệp đó thua lỗ, nợ thuế, cách đánh giá thế nào để thông báo…", ông Cung nói và cho rằng, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu vay vốn của ngân hàng thương mại theo quy chế thông thường thì họ cũng không cần bảo lãnh từ VDB.

Kết quả là ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cho vay có bảo lãnh, còn doanh nghiệp thì thất vọng, vì quá đắt đỏ, tốn kém, không thể đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận bảo lãnh.

Một số ý kiến cho rằng, độ trễ của chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản vay ngắn hạn tới thực tế không hẳn là do đặc thù của chính sách tài chính - tiền tệ, mà nguyên nhân của độ trễ còn do thủ tục hành chính. Không ít khoản tín dụng chậm về tới doanh nghiệp do các thủ tục hành chính. Điều này làm chi phí của doanh nghiệp tăng thêm.

Trong cuộc làm việc giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hồi đầu tuần, yêu cầu về một cửa trong thủ tục hành chính lại được đặt ra một cách gay gắt khi chi phí đầu tư đang là trở ngại lớn của nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Bà Shimi Sumathi Muthu Kunju, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam cho rằng, trước khi đặt thêm các câu hỏi khác, cộng đồng doanh nghiệp Malaysia cần câu trả lời về thời gian cơ quan một cửa trong thủ tục đầu tư được thực hiện tại Việt Nam...