Chi phí kinh doanh và tư duy quản lý

Chi phí kinh doanh và tư duy quản lý

Giới kinh doanh đang háo hức nhắc tới Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ. Sự háo hức không dừng ở mục tiêu thẳng thắn, rõ ràng của Chương trình, mà còn ở các con số phải đạt được trong các lĩnh vực tới năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ Chính phủ hiện tại.
Cùng với danh mục nhiệm vụ chi tiết cả về người thực hiện, thời hạn hoàn thành, kết quả đạt được… của các nghị quyết liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp như Nghị quyết 19-2018/2018/NQ-CP, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gửi đi thông điệp sẵn sàng đối mặt với sự đánh giá, xếp hạng của giới kinh doanh cả trong nước và nước ngoài về việc thực hiện các cam kết. Đây là điều  giới kinh doanh luôn cần để nhìn rõ tính khả thi, để gửi gắm niềm tin khi có thêm bất cứ một cam kết nào từ Chính phủ.

Nhưng vào thời điểm này, giới kinh doanh đang chờ đợi hơn cả chính  là hành động cụ thể của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện mục tiêu “cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh” ghi trong Nghị quyết 139/NQ-CP. Bởi, không ít quy định mới liên quan đến hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh vẫn đang tạo thêm dư địa gia tăng chi phí không hợp lý, gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp...

Có thể nhắc tới điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được ban hành trong năm 2018 vẫn theo hướng phải có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm, có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người.

Ngoài ra, tổ chức kiểm định phải có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định…

Hay như yêu cầu doanh nghiệp in, photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ 1 năm/lần hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in… 

Đặt các quy định trên trong bối cảnh hàng loạt điều kiện kinh doanh kiểu như trên đã được nhiều bộ, ngành bãi bỏ để thấy rõ sự không nhất quán trong tư duy quản lý nhà nước của các bộ, ngành và cả địa phương về cùng một vấn đề.

Tuy vậy, nếu đặt các quy định trên trong xu hướng phát triển của công nghệ, của các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt của mô hình kinh tế tự do (GIG economy) – nơi thúc đẩy các hình thức hành nghề tự do, thì những yêu cầu về trụ sở ổn định, diện tích tối thiểu cho người lao động hay số lượng kiểm định viên tối thiểu… đã trở nên lạc hậu. Ngay cả yêu cầu doanh nghiệp báo cáo định kỳ năm cũng không còn mang nhiều giá trị giám sát như kỳ vọng của các nhà quản lý nếu nhìn vào xu hướng phát triển của hệ thống cơ sở dữ liệu…

Tất nhiên, điều kiện kinh doanh chỉ là một trong số những loại rào cản gia nhập thị trường, làm gia tăng chi phí kinh doanh, nhưng đây lại vẫn được coi là một công cụ quản lý chủ lực của nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục bám theo những cách thức, mô hình đang trở nên lạc hậu, thiên về tư duy quản lý bằng mọi giá, thay vì quản lý rủi ro, thì dù có nỗ lực đến đâu, doanh nghiệp sẽ không thể làm tốt bài toán chi phí kinh doanh.

Cũng phải nhắc lại, thị trường Việt Nam không chỉ là thị trường của gần 95 triệu dân, mà là thị trường của ASEAN với khoảng 635 triệu dân và sẽ là thị trường của hơn 500 triệu dân trong CPTPP. Có nghĩa, bài toán chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải tính toán không chỉ để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, mà với hàng ngàn, hàng triệu doanh nghiệp trong khu vực. Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ không chỉ được xếp hạng với các nước ASEAN, mà với cả những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, có sức cạnh tranh nhất thế giới về chi phí, sự thuận lợi, an toàn trong kinh doanh.

Như vậy, bài toán cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương  thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ cũng sẽ không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan