Chất lượng dịch vụ hành chính công: Trung bình!

Chất lượng dịch vụ hành chính công: Trung bình!

(ĐTCK) Chất lượng trung bình là đánh giá của 50% trong tổng số khoảng 630 doanh nghiệp khu vực Hà Nội và TP. HCM về các dịch vụ hành chính liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Đây là kết quả được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong Báo cáo doanh nghiệp thường niên vừa được hoàn thành vào cuối tháng 5/2009.

Lĩnh vực cấp đất và giải phóng mặt bằng hầu như không được cải thiện so với những năm trước và vẫn đứng ở vị trí thấp với sự đồng thuận của 44,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tương tự, số doanh nghiệp không hài lòng với dịch vụ ở lĩnh vực kiểm soát chất lượng và bảo vệ sở hữu trí tuệ khá cao. Cũng phải nói rằng, có tới 10% doanh nghiệp bày tỏ quan điểm không biết đánh giá thế nào về hai dịch vụ này.

Nổi trội nhất trong chất lượng các dịch vụ hành chính liên quan tới doanh nghiệp là dịch vụ cấp phép kinh doanh và thu thuế. Hai dịch vụ này được doanh nghiệp đánh giá ở mức cao, rất cao về chất lượng. So với những đánh giá của các năm trước, hai dịch vụ hành chính này đã khẳng định được sự cải thiện chất lượng một cách bền vững. Thủ tục hải quan trong lần khảo sát này cũng được doanh nghiệp đánh giá ở mức khá tốt.

Tuy vậy, bàn luận về vấn đề này, VCCI vẫn tiếp tục quan điểm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phải là ưu tiên số 1 mà Chính phủ cần làm để cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách tín dụng, kích cầu, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong điều kiện khủng hoảng hiện tại. "Nói cách khác, vấn đề chính không chỉ đơn thuần là việc đưa ra chính sách, mà là cơ chế, quy trình, bộ máy thực thi các chính sách này", ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch VCCI nói và phân tích rằng, khi thủ tục hành chính còn là rào cản thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ không thể kịp thời đến doanh nghiệp.

Đặc biệt, với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp có rất ít nguồn lực, kể cả tài chính lẫn nhân lực, ông Túc cho rằng, một bước cải cách thủ tục hành chính thì cơ hội tham gia vào các thị trường, tiếp cận nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của khu vực này sẽ mở rộng hơn. 

Đánh giá về chất lượng hạ tầng, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra quan ngại về vấn đề đường bộ và cảng biển khi có tới 83 - 85% doanh nghiệp than phiền về chất lượng. Tuy nhiên, 46,6% doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng viễn thông và 33,8% hài lòng về dịch vụ sân bay.

So đánh giá này với nghiên cứu "Hậu cần Việt Nam năm 2009" do Transport Interlligence (UK) thực hiện, rõ ràng chi phí dịch vụ hậu cần bị đánh giá là quá cao ở Việt Nam có nguyên do sâu xa từ chất lượng hạ tầng giao thông, cảng biển... Theo nghiên cứu, chi phí này của Việt Nam chiếm tới 20 - 25% GDP, một tỷ lệ rất cao so với các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Thực ra, vấn đề này vẫn được nhắc tới nhiều, song khi chi phí nhiên liệu tăng cao, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mất ưu thế về cạnh tranh. Kể cả trong thị trường nội địa, chí phí vận tải là bài toán khó giải đối với doanh nghiệp.

Cũng phải nhắc lại rằng, doanh nghiệp tham gia điều tra đợt này là doanh nghiệp của hai vùng kinh tế trọng điểm, năng động nhất cả nước về phát triển kinh tế là Hà Nội và TP. HCM. Chính đây là khu vực doanh nghiệp "va chạm" nhiều nhất về thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh liên quan. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống giao thông nối với các cửa khẩu của Việt Nam chưa được cải tạo, xây dựng hoàn thiện thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó vượt mức trung bình.

Theo khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp tham gia phần lớn có mức tỷ suất lợi nhuận trên 5%. Số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên 15% chỉ chiếm khoảng 27%, tập trung ở khu vực TP. HCM. So với năm trước, mức tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm đáng kể.