Câu chuyện được mùa mất giá và giải cứu nông sản vào nghị trường

Câu chuyện được mùa mất giá và giải cứu nông sản vào nghị trường

(ĐTCK) Câu chuyện được mùa mất giá, giải cứu nông sản được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều trong phiên thảo luận sáng nay 9/6.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên thảo luận buổi sáng đã có 80 đại biểu đăng ký. Các đại biểu tập trung đưa ra ý kiến về giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, tình hình thu chi ngân sách tái cơ cấu nông nghiệp, tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Bỏ “giải cứu nông sản” bằng nông nghiệp công nghệ cao

Đại biểu Đoàn Văn Diệp (Lâm Đồng) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng nhưng để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững ông cho rằng cần tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản.

Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, sản lượng xuất khẩu ngày càng cao nhưng mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề, thường gặp như tình trạng được mùa mất giá hay được giá lại mất mùa do biến đổi khí hậu, sâu bệnh hoành hành. Ông đưa ra ví dụ câu chuyện ở Lâm Đồng vừa qua có đến 11.000/14.000 ha cây điều không thu hoạch được do dịch bệnh.

Hiện nông nghiệp Việt Nam chủ yếu lấy công làm lãi, áp dụng công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, Đại biểu Lâm Đồng đề nghị Chính phủ có chính sách mãnh mẽ trong xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiến tới doanh nhân hóa nông dân, công nghiệp hóa nông nghiệp, phải có cơ chế trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết bài toán được mùa mất giá, tập trung tích tụ đất đai, liên kết với hộ nông dân…

Cũng về câu chuyện được mùa mất giá, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng nút thắt là khâu chế biến dẫn đến giá một số mặt hàng không ổn định gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, bà Phúc đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã kiểu mới để liên kết nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Câu chuyện được mùa mất giá và giải cứu nông sản vào nghị trường ảnh 1

Để đầu tư công nghệ cao cần 6-15 tỷ đồng/ha

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần phải có giải pháp để tránh tình trạng phải đi giải cứu nông nghiệp, hạn chế đầu tư tràn lan cung ngập cầu, được mùa mất giá, được giá mất mùa là nguyên nhân gây ra cục nợ đông của nền kinh tế.

“Chúng ta hết giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn giờ lại đi giải cứu bí đỏ. Vì vậy cần khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, đại biểu nói.

Các đại biểu cho rằn,g nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, để tăng năng suất lao động của Việt Nam cần tăng năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi phần lớn lao động Việt Nam đang làm ở lĩnh vực này.

Doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận vốn còn khó

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) bày tỏ lo ngại về khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt. Ông cho rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng thực tế đang yếu dần khi liên tục xảy ra tình trạng được mùa mất giá, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…

Bên cạnh đó, để đầu tư công nghệ cao cần 6-15 tỷ đồng/ha, tuy nhiên theo ông Tuấn Anh, người làm nông nghiệp lại khó khăn trong dùng tài sản thế chấp ngân hàng bởi chỉ được thế chấp tài sản trên đất, còn phần lớn đất nông nghiệp là đất thuê lâu năm.

Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng trong nông nghiệp nhưng để tiếp cận gói này còn khó khăn với quy định doanh nghiệp phải có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và đang làm nông nghiệp công nghiệp cao.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao đó là không có tài sản thế chấp, tôi đề nghị cần sớm hoàn thiện thủ tục đánh giá tài sản đất thế chấp”, đại biểu Phước Bình nhấn mạnh.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao đó là không có tài sản thế chấp, tôi đề nghị cần sớm hoàn thiện thủ tục đánh giá tài sản đất thế chấp

    - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước)

Ông Tuấn Anh còn đề xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, xác định tiêu chuẩn công nghệ phù hợp, kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả dự báo thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư...

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp sau hơn 3 năm chưa phát triển xứng tầm với tiền năng, sản xuất mạnh mún. Đầu tư của nhà nước vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, chất lượng nông sản hạn chế.

Bà Thúy đề nghị đổi mới các chính sách pháp luật về đất đai, nhất là tích tụ đất đai để có những cánh đồng sản xuất thực sự lớn… Cùng với đó, cần thắt chặt quản lý chất lượng hàng hóa nông sản để người dân yên tâm sử dụng, cảnh báo người tiêu dùng nếu có thực phẩm bẩn.

Tin bài liên quan