Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần giải quyết 2 nút thắt

Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần giải quyết 2 nút thắt

(ĐTCK) Theo một số khảo sát về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng hạng, nhưng mức độ thuận lợi trong khởi sự kinh doanh lại tụt lùi. Để giải quyết tình trạng này, qua đó cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giới quan sát cho rằng, Việt Nam cần phải gia tăng chỉ số khởi sự kinh doanh và đơn giản hóa pháp lý về phá sản.

Chỉ số khởi sự kinh doanh đang tụt lùi

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, trong năm 2017, thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được tăng lên, nhưng 4 chỉ số quan trọng nhất là đăng ký sở hữu-sử dụng tài sản, phá sản doanh nghiệp, giải quyết phá sản doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh vẫn chưa thể cải thiện, thậm chí có chỉ số còn bị tụt hạng.

“Nếu muốn chất lượng môi trường kinh doanh thực sự được cải thiện, tăng niềm tin cho nhà đầu tư, Việt Nam cần sớm giải quyết 2 nút thắt chính là nâng chỉ số khởi sự kinh doanh và đơn giản hóa pháp lý về phá sản”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, chỉ số về khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017 đứng ở vị trí thứ 123, giảm 2 bậc so với năm 2016. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải sớm giải quyết thực trạng này.

"Việt Nam cần phấn đấu nâng vị trí xếp hạng lên thứ 50-70 thì mới xem như là có cải thiện. Song không chỉ đơn thuần tăng thứ hạng, điều quan trọng hơn là phải có sự chuyển biến thực chất, thể hiện rõ ở sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để thực hiện được điều này thì không chỉ một bộ, mà nhiều bộ cùng phải thay đổi, bởi các thủ tục, điều kiện kinh doanh hiện nay vẫn trong tình trạng chồng chéo do nhiều bộ cùng quản lý.

Bà Catherine Masinde, Trưởng nhóm Tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh (Ngân hàng Thế giới-WB) cho rằng, để cải thiện mức độ thuận lợi trong khởi sự kinh doanh, điều mà Việt Nam cần quan tâm hàng đầu là cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, một cửa duy nhất, tăng cường trao đổi thông tin và mức độ phối hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý để giảm số lượng thủ tục hành chính, cũng như thời gian thực hiện.

Pháp lý về phá sản còn nhiều hạn chế

Thực tế cho thấy, do quy trình và thủ tục giải quyết còn rườm rà khiến thời gian xử lý phá sản kéo dài, ước tính mất trung bình 5 năm để giải quyết một vụ phá sản, chỉ số phá sản doanh nghiệp của Việt Nam nhiều năm qua hầu như chưa có sự cải thiện.

“Mặc dù Luật Phá sản 2014 đã theo thông lệ quốc tế như quy định về quản tài viên, áp dụng tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn, song nhìn chung thủ tục giải quyết phá sản vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý phá sản, chưa chú trọng tới phục hồi hoạt động của doanh nghiệp khi mà thời gian xử lý bị kéo dài, khiến doanh nghiệp bị mắc kẹt vốn, khó quay vòng kinh doanh...”, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.

Gợi ý giải pháp đơn giản hóa pháp lý về phá sản, bà Catherine Masinde cho rằng, Việt Nam cần cải tiến hệ thống khung pháp lý và các công cụ giải quyết tranh chấp phá sản như cải thiện hạ tầng tòa án, tự động hóa tòa án, cơ cấu hóa tòa án và tố tụng...

Với kinh nghiệm tham khảo từ thông lệ tốt tại nhiều nước trên thế giới và bài học thành công từ Thái Lan, bà Catherine Masinde đề xuất cải tiến khung pháp quy về phá sản theo hướng tăng cường sự tham gia của chủ nợ ngay trong khâu giải quyết tranh chấp và phá sản. Theo vị chuyên gia này, sau khi nhà bảo hiểm đã làm việc với ngân hàng, cần để chủ nợ nhận lại nợ từ nhà bảo hiểm để tránh kéo dài tranh chấp nợ nần, đóng băng vốn..., qua đó giúp loại bỏ các thủ tục rườm rà, giảm thời gian giải quyết phá sản.

“Cùng với đó, Việt Nam cần áp dụng công nghệ thông tin vào thủ tục một cửa thông qua xây dựng trung tâm một cửa trực tuyến. Theo đó, các cơ quan, bộ ngành có thể trao đổi trực tiếp với người dân thông qua cổng thông tin này. Đồng thời, xem xét áp dụng chữ ký điện tử thay thế con dấu doanh nghiệp. Điều này vừa giúp giảm thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quản lý nhà nước trong hoạt động của doan nghiệp”, bà Catherine Masinde khuyến nghị.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần giải quyết 2 nút thắt ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Hiện tại, tốc độ triển khai cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đồng đều. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Nghị quyết 19/2018, trong đó có nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành.

Tin bài liên quan