Cách mạng công nghiệp 4.0 và khát vọng phồn vinh

Cách mạng công nghiệp 4.0 và khát vọng phồn vinh

Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)? Câu trả lời ngắn gọn là không! Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy.

Nhưng không chỉ có vậy. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được kỳ vọng là cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh - điều mà vì nhiều lý do lịch sử, chúng ta đã không làm được ở 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

Vấn đề là làm sao để Việt Nam hiện thực hóa được cơ hội này? Làm sao để sự phồn vinh đến được với từng người dân, từng doanh nghiệp Việt Nam, để không có bất cứ ai bị bỏ lại phía sau? 

Trả lời câu hỏi này không dễ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối Internet vạn vật đang được nhìn nhận là có mức độ thay thế lớn, đến mức có thể hủy diệt những cách thức sản xuất, ngành nghề kinh doanh quen thuộc.

Tác động này kéo theo những đòi hỏi thay đổi vô cùng mạnh mẽ về tư duy, quy trình vận hành không chỉ trong hoạt động của doanh nghiệp, mà cả trong vận hành Chính phủ, quản trị công... cả trong cách sống của loài người. Chưa bao giờ, những dự đoán về tương lai lại ở mức dè dặt và khó khăn đến vậy.

Nhưng cũng chính nền tảng công nghệ mới đang mở rộng cơ hội vượt lên, bắt kịp và đi cùng cho những nền kinh tế đi sau, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tới cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo và cả cơ hội để đảo chiều trong tư duy và hành động.

Sự đảo chiều này thực sự không đơn giản, thậm chỉ đòi hỏi quyết tâm lớn, chấp nhận sự trả giá không hề nhỏ. 

Sẽ có những cuộc xung đột giữa mô hình kinh doanh mới và cũ. Sẽ có doanh nghiệp không thể đủ sức trụ lại, buộc phải ra đi. Sẽ có những khoản đầu tư lớn phải bỏ ra để thực hiện chuyển đổi số. Sẽ có những người lao động không tìm được cơ hội cho mình... 

Sẽ có những quyền lực, vị trí mà Nhà nước sẽ buộc phải lui lại, để dành quyền cho thị trường, cho doanh nghiệp.

Tư duy quản lý nhà nước sẽ buộc phải thay đổi, phù hợp với kinh tế số, kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh kết nối thực và ảo có thể chưa từng có trong lịch sử phát triển của loài người.

Sẽ có rất nhiều công chức, đơn vị, tổ chức Nhà nước không còn chỗ đứng trong cách thức vận hành quản trị mới của chính phủ số… 

Điều đáng nói là, không ít lợi ích, quyền lực hiện hữu, cả ở khu vực công và khu vực tư có thể sẽ ngáng trở các tư duy, hành động đổi mới, sáng tạo.

Công nghệ có thể giúp kinh tế Việt Nam nhảy vọt về hiệu suất, năng suất lao động. Nhưng con đường đi đến phồn vinh của dân tộc đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân nhìn thấy những việc mình phải làm, để chấp nhận thay đổi, chấp nhận từ bỏ lợi ích trước mắt, chấp nhận phải trả giá.

Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực". Đây cũng là điều mà từng người Việt Nam đang trông đợi, đang đặt niềm tin.

Tin bài liên quan