Cách mạng công nghiệp 4.0 = Sáng tạo + Hiệu quả

Cách mạng công nghiệp 4.0 = Sáng tạo + Hiệu quả

(ĐTCK) Để hiện thực hóa cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 thì điều quan trọng là cần hành động ngay với tư duy của cả Chính phủ và doanh nghiệp phải thay đổi, với phương châm thông minh hơn và hiệu quả hơn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Đã có rất nhiều diễn đàn, nghiên cứu, sách, bài viết khác nhau về chủ đề này, với nhiều định nghĩa, khái niệm khác nhau và tranh luận khác nhau, cũng như góc nhìn khác nhau. Tôi không bàn một cách tổng quan về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 trong bài viết này và cũng không tranh luận xem định nghĩa nào là đúng, là chính xác nhất.

Từ góc nhìn của tôi và nhìn dưới góc nhìn của doanh nghiệp, tôi miêu tả về cách mạng công nghiệp 4.0 bằng một số ý niệm. Về mặt công nghệ, đây là thời kỳ mà có phát minh đột phá, nằm ngoài suy nghĩ của con người và diễn ra với một tốc độ rất nhanh.

 Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Về mặt kinh doanh, đây là thời kỳ của nhiều ý tưởng, phương thức và mô hình kinh doanh mà trước đây không thể làm được thì nay có thể thực hiện một cách dễ dàng nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ. Đây là thời kỳ của nhiều mô hình và phương thức kinh doanh rất mới. Nhu cầu người tiêu dùng được đáp ứng tốt nhất và có sức mạnh nhất. Và tất cả điều này đều nhắm đến mục tiêu duy nhất là kinh doanh hiệu quả hơn nhờ áp dụng mô hình, phương thức thông minh hơn hoặc sáng tạo hơn.

Như vậy, sẽ có ba xu hướng chủ đạo được hình thành: một là, xuất hiện và phát triển của doanh nghiệp công nghệ; hai là, xuất hiện doanh nghiệp với mô hình, phương thức kinh doanh mới, sáng tạo nhờ biết khai thác và áp dụng thành tựu công nghệ; ba là, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hơn hiệu quả kinh doanh.

Nếu chỉ dùng một cụm từ nào đó miêu tả về cách mạng công nghiệp 4.0 và để thay thế cho cụm từ này thì tôi dùng từ “sáng tạo và hiệu quả” nhằm nhấn mạnh đến tác động của nó. Từ đó suy ra, cả nhà nước và doanh nghiệp phải thay đổi. Chính phủ và chính sách, pháp luật phải thông minh hơn và hiệu quả hơn; doanh nghiệp phải kinh doanh sáng tạo và hiệu quả hơn.

Việt Nam đã chuẩn bị gì cho cách mạng công nghiệp 4.0?

Chính phủ rất tích cực thảo luận về những cơ hội và hành động để hiện thực hóa cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ. Mặc dù chưa có một chiến lược chính thức hay một chương trình hành động của Chính phủ về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trên thực tế đã có nhiều hành động để thúc đẩy và tạo cơ hội tận dụng cơ hội này.

Ví dụ, chương trình Chính phủ điện tử và thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu và xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, có rất nhiều chương trình thúc đẩy kinh doanh, phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo...

Có thể nói, nước ta có một yếu tố thuận lợi và là điều kiện tiên quyết để tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển kinh tế, đó là quyết tâm chính trị rất cao.

 So sánh năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt nam với một số nước xung quanh, năm 2018 (Nguồn: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới)

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam thua kém rất xa và toàn diện so với các nước xung quanh. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (báo cáo chi tiết có thể tải tại: http://reports.weforum.org/global-competitiveness-report-2018/country-economy-profiles/#economy=VNM), năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp hạng 55 trên 135 quốc gia năm 2017, thăng 5 hạng so với năm 2016, là một thứ hạng đáng khích lệ. Nhưng đây là phương thức đánh giá cũ. Diễn đàn Kinh tế thế giới sau đó thay đổi cơ bản về phương thức đánh giá, khiến năng lực cạnh tranh nước ta giảm mạnh, xếp hạng 74/135 quốc gia, tụt 19 vị trí. Năm 2018, nước ta tụt thêm 3 hạng, xuống vị trí 77/140 quốc gia.

Sự thay đổi phương thức đánh giá và tụt giảm nhiều trong vị trí xếp hạng cho thấy một số điểm đáng lưu ý sau:

Một là, phương thức đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia được thay đổi căn bản, bổ sung các tiêu chí để nhấn mạnh đến yếu tố hỗ trợ thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 (báo cáo năm 2018 được đổi tên là: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0); thay đổi một số tiêu chí nhằm đánh giá về chất lượng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điều này có nghĩa, nếu nhìn ở tiêu chí bình thường thì năng lực cạnh tranh nước ta năm 2017 xếp hạng 55; nhưng nhìn ở góc độ cách mạng công nghiệp 4.0 thì năng lực cạnh tranh nước ta xếp hạng 74 và năm 2018 tụt thêm 3 hạng, xuống vị trí 77/140 quốc gia.

Hai là, đối với chỉ số năng lực sáng tạo, đổi mới, nước ta xếp ở vị trí 77/135 quốc gia năm 2017 (cách tính cũ). Năm 2018, với cách tính mới, chỉ số năng lực sáng tạo được thay đổi là hệ sinh thái sáng tạo, tức tính đến cả môi trường thể chế, chính sách và năng lực của doanh nghiệp, nước ta xếp ở vị trí 91/140 quốc gia, thấp hơn 14 bậc so với năm 2017 (cách tính cũ).

Ba là, xét riêng chỉ số về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thì chúng ta có nhiều yếu tố đang xếp ở vị trí rất thấp trên bảng xếp hạng, đáng chú ý là yêu cầu về thủ tục hành chính (xếp hạng 99/140), thời gian khởi sự doanh nghiệp (xếp hạng 104/140), tỷ lệ thu hồi nợ khi phá sản (xếp hạng 109/140), tính mạo hiểm trong kinh doanh (xếp hạng 93/140), tỷ lệ tăng trưởng công ty sáng tạo (xếp hạng 90/140), lực lượng lao động đa dạng (xếp hạng 91/140), nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 74/140), tính thương mại hóa (xếp hạng 86/140)…

So sánh về năng lực cạnh tranh 4.0 với một số nước xung quanh, thì nước ta thua kém rất xa và toàn diện so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (xem biểu đồ).

Để tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0

Một số quốc gia xung quanh ta đã xây dựng và thực thi chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 từ nhiều năm qua, với những mục tiêu như nền kinh tế sáng tạo (creative economy) ở Hàn Quốc, hay sản xuất tại Ấn Độ. Đối với Thái Lan, nước này đề ra mục tiêu từ nền kinh tế “sản xuất hàng hóa” sang “sản phẩm sáng tạo”, tập trung vào thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong 10 ngành ưu tiên (Tạp chí Đầu tư Thái Lan, số 1 tháng 1/2017, có thể download tại: http://www.boi.go.th/upload/content/TIR_Jan_32824.pdf).

10 nhóm ngành ưu tiên của Thái Lan bao gồm: các ngành hiện tại cần tập trung ứng dụng công nghệ để tạo thêm giá trị gia tăng, ví dụ ôtô cho tương lai, thiết bị điện tử thông minh, du lịch cho người có thu nhập cao, thức ăn cho tương lai...; các ngành cần phát triển mới, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế trong tương lai như robot và tự động, vũ trụ...

Trước bối cảnh và thực trạng về sự sẵn sàng của nước ta trong việc tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, tôi có một số ý kiến như sau:

Trước hết, việc tuyên truyền về cách mạng công nghiệp 4.0 nên đi vào thực chất. Đối với doanh nghiệp, họ không quá quan trọng đó là cách mạng công nghiệp mấy chấm không, mà họ cần phải hiểu được là bối cảnh kinh doanh mới là gì, thời cơ và thách thức gì, phải hành động như thế nào? Do đó, thúc đẩy tính sáng tạo và nâng cao hiệu quả trong kinh doanh, thông qua việc tận dụng tối đa công nghệ là nội dung then chốt trong tuyên truyền về cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, cần có hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo và nâng cao hiệu quả. Trong hệ sinh thái này, phải có môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo và tạo ít gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan tham mưu và soạn thảo chính sách phải thay đổi tư duy từ “quản lý chặt” sang tư duy “thúc đẩy”, tạo điều kiện và khuyến khích sáng tạo trong kinh doanh; mọi ý tưởng kinh doanh phải được thực hiện và không bị cản trở bởi lý do chưa có luật hoặc do bất cập của luật. Bên cạnh đó, kiểm soát việc ban hành các quy định với nguyên tắc luật pháp là tối thiểu và luật pháp cũng phải thông minh hơn.

Thứ ba, đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần lưu ý rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội nhưng vừa là thách thức. Cơ hội có nghĩa là doanh nghiệp có cơ hội để đổi mới phương thức và cách thức kinh doanh tạo ra cái mới, cái độc đáo và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thách thức là rất lớn. Cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn, phương thức kinh doanh thông minh hơn và hiệu quả hơn, nhu cầu thị trường thay đổi hướng tới đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn và người tiêu dùng có sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Do đó, khả năng bị đào thải và thất bại sẽ lớn hơn nếu không đổi mới.

Để hiện thực hóa cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 thì điều quan trọng là cần hành động ngay với tư duy của cả Chính phủ và doanh nghiệp phải thay đổi, phương châm hành động phải thông minh hơn và hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan