Trạm BOT Sóc Trăng đã cắm biển "cấm dừng xe quá 5 phút". Ảnh: Phúc Hưng.

Trạm BOT Sóc Trăng đã cắm biển "cấm dừng xe quá 5 phút". Ảnh: Phúc Hưng.

Các trạm BOT thông thoáng ngày đầu phạt dừng ôtô quá 5 phút

Tại nhiều trạm BOT "nóng" ở phía Nam, cơ quan chức năng đã cắm biển "cấm xe dừng quá 5 phút", tuy nhiên chưa có trường hợp nào bị xử phạt.

Sáng 25/1, trong ngày đầu tiên xử lý "cấm dừng xe quá 5 phút" tại các trạm BOT, trước trạm BOT Sóc Trăng - điểm "nóng" tài xế phản đối thu phí thời gian qua - chủ đầu tư đã cho cắm biển "cấm dừng xe quá 5 phút" tại các làn thu phí. Tình trạng giao thông qua trạm khá thông thoáng, không còn cảnh tài xế phản đối thu phí như các ngày trước.

"Tại trạm chưa xảy ra tình trạng tài xế phản đối quy định mới, vì mỗi giao dịch thu phí diễn ra trong thời gian rất ngắn", ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch HĐQT BOT Sóc Trăng cho biết.

Để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm, cũng như đảm bảo thông suốt trên tuyến quốc lộ 1A, ông Phương cho biết, Công an tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch triển khai lực lượng luôn túc trực tại trạm để xử lý sự cố xảy ra.

Theo ông Trần Quốc Thống - Giám đốc Sở Giao thông Sóc Trăng, Thanh tra giao thông được giao túc trực 24/24 tại BOT Sóc Trăng, nhằm phối hợp với Thanh tra của Bộ Giao thông xử lý, tùy theo tình hình thực tế xảy ra.

"Việc tuyên truyền cho các tài xế không gây cản trở, tránh tình trạng ùn tắc giao thông qua trạm đã được thực hiện từ trước. Do đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý đúng quy định nếu như tài xế cố tình vi phạm trong hôm nay", ông Thống nói và cho biết xe cẩu cũng được điều đến trạm.

Tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trên quốc lộ 1A, tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ vẫn chưa có biển "cấm xe dừng quá 5 phút". Khu vực này cũng không có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Tuy nhiên, nơi đây dán rất nhiều mẫu giấy với nội dung: "Khu vực cấm! Người dân không phận sự miễn vào khu vực thu giá. Khi xảy ra tai nạn, tự chịu trách nhiệm".

Sáng nay, hầu hết ôtô đều chấp hành việc mua vé qua trạm. Thỉnh thoảng có một vài tài xế chạy ôtô biển số Hậu Giang, Cần Thơ đậu tại trạm nhất quyết đòi phải được miễn giảm giá vé hoặc chỉ mua vé trên đoạn đường vài km sử dụng. Để tránh ùn tắc, nhân viên trạm hướng dẫn dòng xe sang các làn đường khác qua trạm.

"Tôi chưa biết quy định đậu quá 5 phút tại trạm BOT và ở đây cũng không có biển cấm nên cứ đậu phản đối", tài xế Phạm Phú Hòa nói. Gần 10 phút sau, nhân viên trạm thu phí mở thanh chắn, tài xế Hòa lái ôtô qua trạm.

Ở trạm BOT T1 trên quốc lộ 91 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng chưa xuất hiện biển "cấm dừng xe quá 5 phút". Trong khi đó, cách đó hơn 30 km, trạm BOT T2 cũng trên quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) các biển cấm này đã lắp đặt xong.

Ông Lư Thành Đồng - Giám đốc Sở Giao thông TP Cần Thơ cho biết, theo quy định thì thanh tra giao thông có chức năng xử lý nhà đầu tư cố tình không xả trạm gây ùn tắc giao thông kéo dài. Còn việc lập biên bản, xử lý tài xế dừng ôtô quá 5 phút tại tạm thu phí BOT là do cảnh sát giao thông thực hiện.

"Từ ngày mai, chúng tôi bố trí lực lượng phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc lắp biển cấm, camera quan sát; hướng dẫn giao thông, kịp thời xử lý các vi phạm…", ông Đồng nói.

Lãnh đạo Cảnh sát giao thông Cần Thơ cho biết trong chiều nay sẽ triển khai việc xử lý tình trạng ôtô cố tình dừng lâu gây ách tắc giao thông tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn.

Các trạm BOT thông thoáng ngày đầu phạt dừng ôtô quá 5 phút ảnh 1

Nhân viên trạm BOT T2 trên quốc lộ 91 lắp đặt biển "cấm dừng xe quá 5 phút". Ảnh: Cửu Long.  

Tại Bình Thuận, giao thông trạm BOT Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam) và Sông Lũy (huyện Bắc Bình) cũng khá thông thoáng, không còn cảnh tài xế phản đối thu phí. Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh này cho biết, trong hôm nay, chủ đầu tư các trạm sẽ hoàn tất lắp đặt bản "cấm dừng xe quá 5 phút".

"Sau khi cắm biển, chủ đầu tư phải có trách nhiệm theo dõi thời gian trả phí của các tài xế. Khi có xe quá thời gian quy định, trạm phải tuyên truyền quy định của Tổng cục Đường bộ cho tài xế nắm. Nếu tài xế vẫn không hợp tác, cảnh sát giao thông sẽ cẩu xe ra khỏi khu vực trạm", ông Thanh cho hay.

Theo ông Thanh, thanh tra giao thông và công an chỉ có mặt để hỗ trợ khi xảy ra ùn tắc giao thông chứ không túc trực tại các trạm thu phí. "Đây là quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư nên quan điểm của tỉnh là tuyên truyền cho người dân hiểu và chỉ hỗ trợ để giao thông trên quốc lộ thông suốt", ông Thanh nói.

Trong khi đó, tại trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa đặt trên quốc lộ 1 qua huyện Trảng Bom tình hình phương tiện qua lại bình thường. Hai bên đầu trạm và ở các làn thu phí chưa có bảng "cấm dừng xe quá 5 phút".

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận (chủ dự án tuyến tránh Biên Hòa và mở rộng nâng cấp quốc lộ 1) - cho biết vẫn chưa nhận được văn bản từ Tổng cục đường bộ. "Khi có văn bản, dựa trên nội dung văn bản thì chúng tôi mới thực hiện được", ông Khang nói.

Thời gian qua, ở nhiều trạm BOT đã diễn ra việc lái xe trả tiền lẻ để phản đối việc vị trí trạm không hợp lý hoặc mức phí quá cao... dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Tổng cục Đường bộ vừa có văn bản đốc thúc các chủ đầu tư BOT khẩn trương lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí trước 25/1. Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất 800.000 đồng và cao nhất 2.000.000, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, căn cứ Nghị định 46.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý.

Theo Nghị định 46 quy định về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”. Tại Ðiều 5, người điều khiển xe ôtô có hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông” bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

Người điều khiển xe ôtô có hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông” bị phạt tiền từ 1.200.000 đến 2.000.000 đồng.

Trường hợp người điều khiển xe ôtô cố ý không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại Ðiều 260, Bộ Luật hình sự năm 2015, có thể bị phạt tù 3 đến 10 năm.

Tin bài liên quan