Các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. (Ảnh Shutter)

Các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. (Ảnh Shutter)

Các số liệu tới cuối tháng 6 chưa phản ánh hết hệ lụy Covid-19 tới kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng

Dù có cơ hội phục hồi kinh tế sớm sau những tác động từ dịch Covid 19, song Việt Nam vẫn cần thận trọng kiểm soát tình hình 6 tháng cuối năm để có các nhóm giải pháp phù hợp tạo động lực cho khôi phục tăng trưởng kinh tế, đảm bảo giữ mạch cải cách và an sinh xã hội.

Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội. 

Đánh giá của CIEM cho thấy, trong 2 quý đầu năm, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng do tác động từ dịch Covid-19 và bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đình trệ do dịch bệnh. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I và 0,36% trong quý II so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng GDP cao hơn so với các nước ở khu vực châu Á.

Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm đạt 4,19%; áp lực đối với CPI xuất phát từ một số nhóm hàng như lương thực – thực phẩm thiết yếu và thuốc và dịch vụ y tế.

Các số liệu tới cuối tháng 6 chưa phản ánh hết hệ lụy Covid-19 tới kinh tế Việt Nam ảnh 1

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19, lạm phát cơ bản và lạm phát bình quân dù tương đối cao so với các năm 2018-2019, nhưng có thể chấp nhận được. Xu hướng giảm của lạm phát bình quân và lạm phát cơ bản ít nhiều phản ánh nỗ lực kiểm soát giá cả, điều hành chính sách tiền tệ tương đối hiệu quả của Chính phủ, neo giữ kỳ vọng lạm phát.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

“Nguyên nhân có thể do chính phủ nhiều nước, kể cả Việt Nam, đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ, hoặc do đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ”, ông Dương phân tích.

Theo ông Dương, diễn biến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng, đặc biệt từ diễn còn rất bất định và suy giảm mạnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh khả năng cao  bùng phát lần thứ hai của dịch COVID-19.

Với 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020 được CIEM đưa ra dao động từ mức thấp là 2,1% tới mức cao là 2,6%, ông Dương cho rằng, kịch bản 2 là khá tham vọng trong điều kiện dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2020.

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đứt gãy như hiện nay, kỳ vọng thu hút đầu tư lớn trong thời gian trước mắt là chưa thực sự khả thi. Ông Tuấn cũng lưu ý, doanh nghiệp nội hiện đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị tổn thương do ảnh hưởng dịch Covid-19. Và khi đã bị thương rồi thì rất khó phục hồi, khó để bật như lò xo như kì vọng.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả những rủi ro – đặc biệt gắn với Covid-19 - trong bối cảnh “bình thường mới”.

Đặc biệt, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên hàng đầu nhằm giữ dư địa cho điều hành các chính sách kinh tế, vận dụng phối hợp linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư và thương mại để ứng phó với các diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới và khu vực, trong đó đặc biệt lưu ý đến các diễn biến có tác động mạnh tới tình hình kinh tế xã hội trong nước như cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, diễn biến đại dịch Covid-19, rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu, xung đột địa chính trị…

Tin bài liên quan