Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên do thiếu quy hoạch tổng thể.

Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên do thiếu quy hoạch tổng thể.

Cá, tôm “tranh chấp” trên sân nhà

(ĐTCK-online) Khi thừa nguyên liệu phải bán đổ bán tháo với giá rẻ, lúc thiếu trầm trọng phải tính chuyện nhập khẩu để đủ cho chế biến, nhà máy đầu tư xây mới ồ ạt dẫn đến tranh mua nguyên liệu… Sự cạnh tranh không lành mạnh khá phổ biến khiến ngành cá tra, tôm Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn. Nếu không có biện pháp khắc phục, năm 2010 hai mũi nhọn xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam có thể tụt hậu.

Cá tra: Bội thực nhà máy

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về tình hình xuất khẩu cá tra năm 2009 và đưa ra 5 kiến nghị về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá tra năm 2010. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu cá tra có sự sụt giảm đáng kể so với năm trước đó; trong đó EU là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng cá tra (chiếm trên 40%) sụt giảm mạnh về khối lượng và giá trị. Sự suy giảm được mổ xẻ từ nhiều nguyên nhân: do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp mạnh và giá tại các thị trường chủ lực đều giảm; những thông tin không trung thực nhằm hạ uy tín con cá tra Việt Nam của báo chí một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Na Uy, khu vực Trung Đông và Niu Dilân; những rào cản bảo hộ mậu dịch từ các nước nhập khẩu chính liên tục được đặt ra…

Tuy nhiên, trước khi trách người cũng phải nhìn lại chính mình. Với bất cứ ngành xuất khẩu nào, yếu tố nguyên liệu cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng hiện nay, người nuôi cá tra đang rất khó khăn và thực tế này khiến họ không gắn bó với nghề. Cụ thể, nông dân khó có thể xác định giá thành nuôi khi giá con giống, thức ăn, thuốc thú y thay đổi không theo quy luật trong suốt chu trình nuôi cá kéo dài đến 8 tháng. Con giống chưa được kiểm soát về chất lượng, giá thức ăn tăng giảm thất thường là nguyên nhân làm cho nhiều hộ nuôi bị lỗ và chất lượng nguyên liệu cá nuôi không ổn định. VASEP cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước về việc tăng cường khâu quản lý chất lượng con giống, thức ăn từ các nhà cung cấp và phân phối, cũng như không có chính sách, biện pháp ổn định giá nhằm giúp người nuôi dự kiến được giá thành, thì tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục tái diễn.

Không chỉ ở khâu nguyên liệu, khâu chế biến cũng đang diễn ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Hiện năng lực chế biến đã vượt qua mức 600.000 tấn sản phẩm, do phong trào xây dựng nhà máy chế biến cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển rất rầm rộ. Số lượng DN tham gia xuất khẩu cá tra theo thống kê lên tới 272 đơn vị trong năm 2009. Một số nhà máy mới ra đời không có khách hàng ổn định, hoạt động dưới công suất, dẫn đến việc phải nhận gia công chế biến, thậm chí không được tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm, để cho các công ty thương mại xuất khẩu hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng uy tín cá tra Việt Nam. Trước tình trạng này, VASEP khuyến nghị các địa phương cân nhắc khi cấp phép việc xây mới hoặc mở rộng các nhà máy chế biến cá tra, trong đó cần đề cao nguyên tắc nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, có thị trường ổn định.

Với 125 thị trường nhập khẩu trên khắp thế giới, mục tiêu năm 2010 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 600.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD không phải không thể thực hiện được. Tuy nhiên, để giải những bài toán trên, không thể chỉ bằng những nỗ lực đơn lẻ.

 

Ngành tôm: Đói nguyên liệu

Xuất khẩu tôm là ngành thuỷ sản duy nhất tăng trưởng trong năm 2009. Tuy nhiên, tương tự ngành cá tra, việc thiếu quy hoạch nguyên liệu trầm trọng trong khi quá nhiều DN chế biến quy mô nhỏ đang là thách thức lớn trong năm 2010. Năm 2007 - 2008, nhiều nông dân nuôi tôm lỗ nặng nên bỏ vuông tôm, không chăm lo nguồn nguyên liệu khiến từ đầu năm 2009, ngành tôm đã rơi vào cảnh thiếu hàng chế biến. Giá tôm sú tăng vọt lên trên 200.000 đồng/kg, DN phải tính chuyện nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến. Trong khi đó, theo thống kê của VASEP, hiện có hơn 300 DN tham gia xuất khẩu tôm, trong đó 60 DN lớn chiếm hơn 80% kim ngạch, 120 DN có giá trị xuất khẩu hơn 1 triệu USD/năm, còn lại là DN quy mô rất nhỏ. Nhiều DN có xuất phát điểm từ những đầu mối thu gom nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, vì thế công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến rất yếu, khi thị trường không thuận lợi, khó có thể đa dạng hóa sản phẩm.

Đơn cử như năm 2009, tôm sú vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm trên 75% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy phải hoạt động dưới công suất, trong khi đó tôm thẻ chân trắng dồi dào hơn thì lại chỉ có ít DN chế biến được.

Theo dự báo của ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, sang năm 2010, tôm sú vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Song do khó khăn về nguyên liệu, giá thành tôm sú sẽ đóng vai trò chính tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu chứ không phải yếu tố thị trường.

Xuất khẩu tôm chân thẻ trắng nhờ vậy có khả năng tăng kim ngạch gấp đôi lên 500 triệu USD, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn. Những thị trường chủ lực của ngành tôm Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ đều gia tăng nhập khẩu tôm chân trắng. Như vậy, gây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo lao động để thích ứng với hoàn cảnh mới có lẽ là lối đi buộc phải chọn của nhiều DN.