Bộ trưởng tài chính APEC bàn về xói mòn cơ sở thuế

TS. Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 (FMM 24) tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) ngày 21/10/2017, Bộ trưởng Tài chính 21 nền kinh tế APEC sẽ thảo luận và đưa ra Tuyên bố chung về Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS).

Bản chất của BEPS là chống chuyển giá. Thưa ông, vì sao Việt Nam lựa chọn nội dung này là một trong 4 chủ đề ưu tiên thảo luận tại FMM 24?

Cùng với đầu tư dài hạn cho hạ tầng, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, tài chính bao trùm, chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận được lựa chọn là một trong 4 chủ đề ưu tiên thảo luận tại FMM 24. Đây là sáng kiến của Việt Nam đưa ra vào cuối năm 2016, sau khi tham vấn và được tất cả các thành viên APEC nhất trí đưa vào thảo luận tại FMM 24.

Bộ trưởng tài chính APEC bàn về xói mòn cơ sở thuế ảnh 1

 TS. Vũ Nhữ Thăng

Chống chuyển giá không chỉ là vấn đề được Việt Nam quan tâm, mà đây là vấn đề được rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có nền kinh tế phát triển cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm, đặc biệt là các nước trong nhóm G20, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàngThế giới (WB) hỗ trợ mạnh mẽ.

Năm 2015, tại Hội nghị G20 đã khuyến khích các nền kinh tế khác ngoài G20 tham gia và chia sẻ kinh nghiệm về chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận.

Cũng trong năm 2015, OECD đưa ra khuyến nghị 15 hành động để chống chuyển giá được gọi là chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). BEPS là vấn đề toàn cầu, nên khi Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APEC 2017 đề xuất đưa chủ đề này vào nội dung ưu tiên thảo luận tại FMM 24 đã được tất cả các thành viên còn lại nhất trí cao.

Nhưng BEPS cũng được Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2015 tại Cebu (Philippines) thảo luận, thưa ông?

Trong Chương trình hành động Cebu, các bộ trưởng tài chính đã thông qua việc thúc đẩy thực hiện sáng kiến BEPS trong APEC. Để thực hiện BEPS, cần phải thực hiện 15 hành động đã được OECD khuyến nghị.

Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế của 21 thành viên APEC rất khác nhau, rất chênh lệch, nên mỗi nền kinh tế lựa chọn một số hành động ưu tiên thực hiện trước. Chỉ có điều, có không ít hành động muốn ưu tiên thực hiện trước vì cần thiết để chống chuyển giá, nhưng lại chưa thực hiện được do thiếu cơ sở pháp lý, hệ thống luật pháp chưa đồng bộ.

Chính vì vậy, các thành viên có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm thực hiện BEPS, công bố quá trình thực hiện cũng như lộ trình thực hiện BEPS trong thời gian tới theo Chương trình Hành động Cebu trên tinh thần cùng hợp tác với nhau để chống chuyển giá. Vì nhu cầu bức thiết trên, nên khi Việt Nam đề xuất đưa chủ để này vào nội dung thảo luận tại FMM 24 đã được   tất cả thành viên APEC hưởng ứng.

Thưa ông, Việt Nam và các thành viên APEC đã có những động thái gì để cuộc thảo luận về BEPS tới đây tại FMM 24  đạt hiệu quả như mong muốn?

Để phục vụ FMM 24 vào ngày 21/10 tới đây, với tư cách là chủ nhà, Bộ Tài chính đã chủ trì thành công Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó thống đốc ngân hàng Trung ương (FCBDM) vào tháng 2/2017, Hội nghị Quan chức tài chính cao cấp (SFOM) vào tháng 5/2017; phối hợp với WB, OECD, ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về 4 chủ đề ưu tiên thảo luận tại FMM 24, trong đó có BEPS.

Kết quả thảo luận của FCBDM, SFOM và khuyến nghị tại các hội thảo quốc tế kể trên sẽ được trình lên     các Bộ trưởng APEC tại FMM 24.

Ông có thể cho biết một số nội dung liên quan đến BEPS mà FCBDM, SFOM đã thảo luận sẽ được trình lên FMM 24?

Đại diện 21 nền kinh tế đều thống nhất với nhau rằng, do trình độ kinh tế phát triển khác nhau, hệ thống pháp luật khác nhau nên không phải ngay một lúc có thể thực hiện được toàn bộ 15 hành động chống chuyển giá đã được OECD khuyến nghị, nhưng các thành viên đều tích cực thực hiện những hành động tối thiểu, cấp thiết để chống chuyển giá. Ngay cả việc thực hiện những hành động tối thiểu, cấp thiết, cơ bản trong 15 hành động BEPS, mỗi nền kinh tế do trình độ khác nhau nên các thành viên đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ với nhau nếu muốn thực hiện BEPS đạt hiệu quả cao nhất.

APEC là diễn đàn hợp tác không có tính pháp lý bắt buộc thành viên phải thực hiện. Nếu trong nội bộ APEC có nền kinh tế vì lợi ích cục bộ không thực hiện thì sao?

Hợp tác trong APEC đúng là không ràng buộc do chỉ là diễn đàn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính đều có tuyên bố chung như một cam kết thực hiện các vấn đề đã được thống nhất trong Hội nghị.

Tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính năm tới, các bộ trưởng sẽ kiểm điểm, đánh giá xem các cam kết năm trước đã thực hiện đến đâu, mức độ thực hiện cam kết của từng nền kinh tế thế nào.

Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, mà còn là thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có APEC.

Đơn cử, mặc dù là đất nước đang phát triển cần phải ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, thiết bị, máy móc thân thiện với môi trường. Việt Nam và nhiều thành viên khác trong APEC gương mẫu thực hiện các cam kết, không có lý do gì các nền kinh tế khác lại không thực hiện.

Tin bài liên quan