Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Lê Toàn)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Lê Toàn)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu về thực trạng đầu tư vào nông nghiệp

(ĐTCK) Rất nhiều ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu đã được đưa ra tại buổi gặp mặt, trao đổi và thảo luận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với các doanh nghiệp hiện đang có nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực phía Nam chiều nay (13/7) tại TP HCM.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, muốn phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững cần phải đi theo hai hướng.

Thứ nhất là quy hoạch và phát triển những vùng thực phẩm an toàn (vẫn dùng phân thuốc nhưng nhất định phải theo ngưỡng cho phép); Thứ hai là phát triển vùng nông nghiệp hoàn toàn theo hướng hữu cơ. 

Theo bà Minh, đất sản xuất ở nhiều vùng hiện nay đang bị hư hại về thuốc trừ cỏ và phân hóa học. Chính vì thế cần định hướng và có chính sách để phát truển ngay một nền  sản xuất hữu cơ.

“Mô hình này phù hợp với trang trại nhỏ, còn nông nghiệp an toàn phù hợp với mô hình trang trại lớn phù hợp cho doanh nghiệp lớn đầu tư. Tuy nhiên, với mô hình hữu cơ chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn về thị trường, vốn và cả niềm tin, chính vì vậy mô hình này cần một sự giúp đỡ là cú huých của nhà nước để họ mạnh dạn và yên tâm đầu tư”, bà Minh nói.

Để doanh nghiệp yên tâm phát triển và đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tại buổi gặp gỡ trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều ý kiến doanh nghiệp và cả các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, phải có định hướng rất rõ ràng thị trường nào sản xuất vật nuôi cây trồng gì; phải phân tích để thực sự phát triển được thế mạnh từng vùng chứ hiện đang làm hết sức dàn trải; ngoài việc sản xuất theo đúng tiêu chuẩn an toàn và sạch hoàn toàn hữu cơ (cho phân khúc tiêu dùng cao) thì hệ thống phân phối cung cầu cũng là yếu tố quyết định của việc các mô hình sản xuất có tồn tại phát triển hay không…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu về thực trạng đầu tư vào nông nghiệp ảnh 1

 Các đại biểu tại cuộc gặp mặt

Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex, nông nghiệp của Việt Nam vẫn dang tăng trưởng tốt ở mức 14-15%/năm.

"Tuy nhiên, chúng ta cần có biện pháp mạnh hơn để kiểm soát chất lượng sản phẩm cả thị trường trong nước và xuất khẩu nếu không muốn hàng hóa có khả năng bị trả về".

“Thị trường có 4 ngàn công ty bán khoảng 8 ngàn loại thuốc khác nhau. Nông dân sợ cây trồng có sâu bệnh nên cứ thấy thị trường bán thuốc gì bảo tốt là mua dùng. Vấn đề chúng ta phải quản lý được các công ty bán thuốc trừ sâu và chất lượng thuốc”, ông Nam nói.

Cũng tại buổi gặp này, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ muốn tăng năng suất lao động không có cách nào là phải cơ giới hóa, chính vì thế cũng cần chính sách tập trung một chương trình riêng cho cơ khí nông nghiệp và nên chọn mục tiêu chứ không dàn trải.

Phát biểu tại buổi gặp mặt trao đổi với doanh nghiệp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Bộ KHĐT là đầu mối xây dựng thể chế, còn khi triển khai thì thuộc trách nhiệm nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp. Khi triển khai chủ trương này chúng cũng phải  phân vai, chẳng hạn nhà nước là tạo dựng thể chế môi trường  để tất cả các thành phần tham gia, Nhà nước không có khả năng hỗ trợ mà doanh nghiệp cũng không cần hỗ trợ mà chỉ cần thể chế….

“Cuộc gặp gỡ trao đổi này chỉ là khởi đầu của nhiều cuộc nói chuyện với nhau sau này. Chúng ta sẽ có nhiều cơ chế khác để gặp gỡ trao đổi bàn bạc với nhau nhiều hơn tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển vấn đề này”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.

Được biết, buổi gặp mặt này được tổ chức là nhằm chuẩn bị cho Hội nghị chuyên đề về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, dự kiến được tổ chức trong thời gian sắp tới. Nông nghiệp là lĩnh vực được xác định là điểm tựa của nền kinh tế.

Đây là lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của nền kinh tế. Hiện tại, đã có khoảng 44.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp. Các doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng đất, tạo việc làm, chuyển đổi mô hình sản xuất gắn liền với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành nông nghiệp.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị quan trọng này và sẽ có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh của họ.

Tin bài liên quan