Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ không chấp nhận “nợ” văn bản hướng dẫn luật

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ không chấp nhận “nợ” văn bản hướng dẫn luật

(ĐTCK) Liên quan đến một nội dung lớn được Chính phủ tập trung thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 là xây dựng thể chế, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, diễn ra chiều muộn hôm nay (2/6), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ không chấp nhận tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn các luật.

Theo ông Dũng, Chính phủ tập trung kiểm điểm tiến độ xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn các luật sắp có hiệu lực. Để thực hiện 13 luật và pháp lệnh có hiệu từ ngày 1/7 tới, phải ban hành 37 nghị định. Trong đó đến ngày 31/5 đã ban hành được 16 nghị định. Trong số 21 nghị định chưa ban hành có nhiều nghị định đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoặc lấy ý kiến các bộ…

“Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hệ thống văn bản hướng dẫn các luật và pháp lệnh. Quan điểm của Chính phủ là không để nợ đọng văn bản hướng dẫn thực thi các luật…”, ông Dũng khẳng định.

Một nội dung lớn nữa Chính phủ thảo luận trong phiên họp này là đánh giá về diễn biến kinh tế tháng 5/2016 và 5 tháng qua. Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá của Chính phủi, diễn biến kinh tế trong 5 tháng qua đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đối mặt với không ít khó khăn.

“Thủ tướng Chính phủ có quan điểm là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ tiếp tục quyết liệt điều hành để phấn đấu GDP tăng trưởng 6,7% trong năm nay như Quốc hội phê duyệt…”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng trên, Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT không tăng, giá sữa giữ ổn định từ nay đến cuối năm nay. Việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế sẽ phải điều chỉnh theo lộ trình hợp lý để tránh tác động lên lạm phát, để tạo dư địa cho triển khai các giải pháp hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.

“Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng từ nay đến cuối năm quyết tâm giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển...”, ông Dũng nói.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò người đại diện phần vốn nhà nước tại Ngân hàng BIDV và Vietinbank thực hiện chia cổ tức bằng tiền, tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề xuất này.

“Phải xem xét đánh giá những mặt thuận và không thuận khi chuyển cổ tức về ngân sách nhà nước gắn liền với đánh giá khó khăn của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó đề xuất cách thức thực hiện phù hợp với đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng…”, bà Hồng nói.

Cũng liên quan đến giải pháp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật của các cơ quan hành chính, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 01/2016 của Chính phủ…

Tin bài liên quan