Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Đức Thanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Đức Thanh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Tất cả vì sự bền vững của Doanh nghiệp và nền kinh tế“

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015 sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, “những trao đổi kiến nghị được đưa ra, tất cả vì sự bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế”.

VBF cuối kỳ diễn ra trong thời điểm được cho là rất quan trọng đối với Việt Nam. Bởi Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, cũng có nghĩa đã đi được một nửa chặng đường của Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011 - 2020, với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đồng thời, diễn đàn cũng được chờ đợi khi đây là diễn đàn đầu tiền sau khi Việt Nam đã và sắp ký kết một loạt các Hiệp định thương mại quan trọng.

Mở đầu phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, quá trình cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, chính vì vậy rất nhiều tồn tại được chỉ ra như năng suất lao động thấp, cải cách hành chính công, chống tham nhũng… cần phải được cải thiện trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng đánh giá rằng môi trường kinh doanh Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng khi thực thi còn tồn tại nhiều yếu kém và còn rất nhiều việc phải làm.

"Xét trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đã là thành viên của một loạt các Hiệp định thương mại quan trọng. Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng", Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Đồng chủ tịch Liên minh diễn đàn Doanh nghiệp, bà Virginia B.Foote thì cho rằng, kể từ diễn đàn giữa kỳ vào tháng 6/2015, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp ở Việt Nam.

“Qua diễn đàn VBF, chúng tôi hy vọng tiếp tục được làm việc trong các lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các doanhh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo Việt Nam đã sẵn sàng tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại đã ký hay đang trong giai đoạn cuối trước khi đưa vào thực hiện”, bà Foote nói.

Cũng theo bà Virginia B.Foote, Việt Nam đã đi được khoảng 70 - 80% quãng đường để hướng tới các tiêu chuẩn kế toán toàn cầu và 20% cuối cùng sẽ là chìa khóa thành công cho các công ty hoạt động tại Việt Nam. Do đó, vị đồng Chủ tịch Diễn đàn VBF bày tỏ sự hoan nghênh các bước tiến quan trọng mà Chính phủ đã đạt được để đưa hệ thống kế toán của Việt Nam đến gần hơn chuẩn mực quốc tế.

Diễn đàn lần này sẽ tập trung báo cáo và thảo luận 10 nhóm vấn đề chính. Đây đều là vấn đề then chốt của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. 

Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và Cộng đồng doanh nghiệp. VBF đã đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước. Nhờ có sự đổi mới đó, cùng sự tự điều chỉnh vươn lên của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp đã từng bước được nâng cao, việc thu hút FDI trở nên có hiệu quả hơn. 

"Có thể nói rằng, trải qua nhiều kỳ VBF, uy tín, sức hấp dẫn và sự quan tâm của Diễn đàn càng ngày càng gia tăng, điều này thể hiện qua sự xuất hiện thêm của các thành viên mới. Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá rất cao diễn đàn này. Với tinh thần đó, hi vọng sẽ có những trao đổi, kiến nghị được đưa ra tại Diễn đàn, tất cả vì sự bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế". Bộ trưởng Vinh thẳng thắn đề nghị với cộng đồng doanh nghiệp.

Tin bài liên quan