Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phải quy rõ trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư

(ĐTCK) “Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Vì vậy, việc quy rõ trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư là vấn đề mới nhất, đột phá nhất trong Luật Đầu tư công”.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh tại Hội nghị thảo luận xin ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức giữa tuần này.

Thất thoát, lãng phí trầm trọng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thẳng thắn thừa nhận tình trạng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư công do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục, mà ngược lại có mặt còn trầm trọng hơn.

Đặc biệt, theo ông Vinh, tại nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ. Quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên. Quy trình thẩm định dự án, phần trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cũng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc chủ đầu tư “móc ngoặc” với tư vấn để nâng giá trị công trình lên. Vì vậy, ông Vinh cho rằng, phải phân rõ trách nhiệm chủ trương, thẩm định dự án của từng cấp.

“Trước đây, công việc thẩm định thường giao cho Sở KH&ĐT, nhưng bây giờ phải thành lập cơ quan quản lý thuộc UBND tỉnh, trong đó có sự tham gia của Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, KH&ĐT, Tài chính, để phân rõ trách nhiệm từng ngành”, ông Vinh nói.

Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự án Luật Đầu tư công có hẳn một chương để chế định các nội dung, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Trong đó, điểm đổi mới quan trọng nhất là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là điểm khởi đầu, quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án, nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện và nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.

“Thời gian tới sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm, sang kế hoạch trung hạn - 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, sẽ hỗ trợ việc ra quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước”, ông Hà nói.

Tăng cường giám sát cộng đồng

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã phản ánh tình trạng “lách” quy định để giành được dự án đầu tư tại một số địa phương.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hải Phòng cho biết, để né quy định huyện không được quyết dự án đầu tư quá 5 tỷ đồng, nhiều địa phương đã chia nhỏ dự án để dự án được duyệt, dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. “Một dự án lớp học mà phần móng là một dự án, tầng trệt là một dự án, tầng hai lại là một dự án khác”, ông Tuấn nói.

Một thực tế nữa cũng được ông Vương Đức Sáng, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương phản ánh, đó là việc nâng quy mô dự án vượt quá con số thực tế. Theo ông Sáng, Dự luật chỉ nêu phải thẩm định nguồn vốn là chưa đủ, cần thẩm định cả tính cần thiết của quy mô dự án, mức đầu tư.

Ông Trần Ngọc Liễu, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn thẳng thắn cho rằng, đầu tư công kém hiệu quả, phân tán nguồn lực, lỗi đầu tiên là từ cấp Trung ương. Hiện nay, ngoài việc phân cấp ngân sách đầu tư địa phương được phân bổ ổn định theo tiêu chí được coi là công khai và minh bạch, thì ở Trung ương quản lý 28 chương trình hỗ trợ có mục tiêu và 16 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm trên 80% ngân sách đầu tư công và vẫn duy trì cơ chế “xin - cho”. Vì thế, nếu Luật không quy định cơ chế điều chỉnh về công khai, minh bạch, thì đây vẫn là tiềm ẩn của tiêu cực và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Để khắc phục tình trạng trên, Dự án Luật đã quy định việc giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư công. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, quy định tại Điều 84 của Dự thảo Luật về giám sát đầu tư của cộng đồng là chưa đủ và chưa cụ thể, bởi cộng đồng không có thông tin, nên không thể giám sát. Ông Sửu kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, từ Quốc hội, Chính phủ, đến UBND, HĐND các cấp.

Phát biểu chung về Dự luật này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Đầu tư công ra đời sẽ giúp ích lớn cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, giúp đầu tư công có hiệu quả hơn. Qua đó, thể hiện cam kết của Việt Nam với các đối tác phát triển trong việc thể chế hóa đầu tư công.

Dự án Luật Đầu tư công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2013 vừa qua, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.

Tin bài liên quan