Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ các thông tin về giao vốn đầu tư công và tình hình phát triển doanh nghiệp

(ĐTCK) Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiến hành đánh giá, điều chỉnh một số nội dung sao cho phù hợp, đồng bộ với các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Luật Đầu tư công sửa đổi và các nghị quyết của Quốc hội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ các thông tin về giao vốn đầu tư công và tình hình phát triển doanh nghiệp

Trao đổi làm rõ với các cơ quan báo đài về nội dung giao kế hoạch vốn đầu tư công tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư công năm 2015 đã tăng cường thêm một số quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất.

Vì vậy, các quy trình này đều đã quy định chặt chẽ trong Luật, cũng như trong các nghị định của Chính phủ, đặc biệt nguyên tắc là sẽ chỉ được giao kế hoạch vốn khi được Quốc hội và Chính phủ đồng ý và với những dự án đã hoàn tất thủ tục.

Với quy trình chặt chẽ này, trên thực tế, khi các bộ ngành, địa phương trình dự án thiếu các thủ tục, theo nguyên tắc sẽ không thể giao vốn. Đây là lý do năm 2017 khi phân khai nguồn vốn đầu tư phát triển có chia ra 4 đợt khác nhau.

Khi môi trường kinh doanh được cải thiện thì việc doanh nghiệp giải thể hay rời thị trường là quyết định rất là cá nhân của doanh nghiệp, chứ không có nhà nước nào có thể can thiệp vào đó được 

- Thứ trưởng Vũ Đại Thắng

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng thông tin thêm, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiến hành đánh giá, điều chỉnh một số nội dung sao cho phù hợp, đồng bộ với các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Luật Đầu tư công sửa đổi và các nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng kế hoạch, mục tiêu đặt ra mà bố trí vốn không đáp ứng yêu cầu.

Trong báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước mới đây có chỉ ra những bất cập trong công tác giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển chung, chứ không phải là vấn đề riêng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, không thể nói đây là sai phạm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực đầu tư công.

Liên quan đến vấn đề giải thể và gia nhập thị trường của khu vực doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng giải thích rõ ràng và có những trao đổi cụ thể để việc thông tin được chuẩn xác.

Theo Thứ trưởng, hiện nay Chính phủ đang khuyến khích hình thành hệ thống doanh nghiệp tư nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển hướng tới đạt 1 triệu doanh nghiệp. Với các chính sách khuyến khích và tăng cường cải thiện  môi trường kinh doanh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện, số lượng doanh nghiệp thành lập năm nào cũng cao hơn số doanh nghiệp rời thị trường.

Trong hoạt động kinh doanh, việc doanh nghiệp đăng ký gia nhập hay rời thị trường là bình thường và là quyết định mang tính cá nhân của doanh nghiệp. Vấn đề cần quan tâm ở đây là đó là Nhà nước luôn cố gắng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

“Khi môi trường kinh doanh được cải thiện thì việc doanh nghiệp giải thể hay rời thị trường là quyết định rất là cá nhân của doanh nghiệp, chứ không có nhà nước nào có thể can thiệp vào đó được. Chúng ta tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, còn việc có tiếp tục hoạt động hay không là quyết định của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7/2019, cả nước có 12.352 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,2 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% về số doanh nghiệp và giảm 26,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 23,3%.

Trong tháng, cả nước còn có 2.690 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,9% so với tháng trước; 2.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 6,4%; có 2.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 15,7%; có 1.434 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,4%.

Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%.

Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,6 nghìn doanh nghiệp.

Cũng theo thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 7 tháng năm nay là 23,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng năm 2019 là 9,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,4% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 18,9%

Tin bài liên quan