Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: MPI/Đức Trung)

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: MPI/Đức Trung)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, mỗi văn bản, mỗi quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tác động rất lớn đến xã hội, doanh nghiệp. Do đó, Bộ cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt trong vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế.

Chiều 30/8, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là lần đầu tiên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh về làm việc với Bộ, là niềm động viên, khích lệ rất lớn với các cán bộ của ngành.

Mỗi văn bản, mỗi quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tác động rất lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những kết quả công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, còn nhiều khó khăn thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội cơ bản diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực đều có bước tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Những kết quả này đạt được cũng là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành kế hoạch và đầu tư.

Theo đó, Phó Chủ tịch nước chỉ ra, báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế xã hội hàng tháng, hàng quý, hàng năm của ngành kế hoạch và đầu tư ngày càng được cải tiến, được sự quan tâm, thống nhất cao trong hệ thống chính trị; đồng thời, ngày càng đáp ứng được yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: MPI/Đức Trung)

“Những năm qua, Bộ đã góp phần quan trọng vào phát triển chung của đất nước, tham mưu chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là vốn FDI thế hệ mới, thu hút công nghệ tiên tiến, giảm thiểu khai thác tài nguyên thô, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với ngành công thương tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp trên thế giới, trong khu vực, các vùng địa phương, các hội nghị xúc tiến đầu tư hỗ trợ các địa phương…”, Phó Chủ tịch nước nói.

Phó Chủ tịch nước lưu ý, Bộ cần tiếp tục rà soát, phân bổ vốn, quản lý tốt đầu tư công, khắc phục hiện tượng dàn trải lãng phí; giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong đó có nguồn lực đầu tư công nói chung. Bộ phải điều phối chương trình kế hoạch các địa phương đảm bảo khách quan, hợp lý, công bằng; tiếp tục thực hiện các thể chế, văn bản xung quanh các nội dung đấu thầu, quy hoạch, các dự án lớn đồng thời chú trọng hơn tới mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; chú ý tới chiến lược quốc gia đổi mới sáng tạo gắn với cách mạng công nghiệp 4.0…

“Mỗi văn bản, mỗi quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tác động rất lớn đến xã hội, doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch nước khẳng định.

 Đặc biệt, với vai trò chủ trì Tiểu ban văn kiện lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới đây, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao 7 công việc quan trọng, hy vọng Bộ "tiếp tục phát huy hiệu quả, hiệu suất công việc, tham mưu, kiến nghị cho Đảng nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời đại mới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu, Bộ cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt trong vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế, nhanh chóng khắc phục một số hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho Bộ.

Không có tư duy “co kéo” bảo vệ lợi ích riêng

Tiếp thu những lưu ý của Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn khẳng định được vai trò tiên phong trong cải cách và đổi mới, đưa ra những khung khổ thể chế một cách cạnh tranh nhất để đáp ứng yêu cầu tốt nhất nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội chung của đất nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch nước (Ảnh: MPI/Đức Trung)

Bộ trưởng cho biết, điều này thể hiện rõ nét sự chuyển biến tích cực và tiến bộ mạnh mẽ trong từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, từng lĩnh vực công tác, từng nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ cho đến từng cán bộ đã vượt qua chính mình, mạnh dạn cải tiến lề lối làm việc, trên tinh thần vì lợi ích chung, không có bất cứ tư duy “co kéo”, bảo vệ lợi ích riêng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Bộ xác định không thể xây dựng chính sách kiểu “ngồi một chỗ trong phòng”, do đó thường xuyên có sự luân chuyển cán bộ với các địa phương để thu thập kinh nghiệm thực tế, góp phần thực hiện tốt việc xây dựng các chính sách vĩ mô.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết, Bộ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, luôn đổi mới, cải cách, trí tuệ, bản lĩnh để thực hiện được tốt nhất những công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn thể hiện tư duy đổi mới mang tầm chiến lược dài hạn

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về kế quả công tác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn khẳng định được vai trò tiên phong trong cải cách và đổi mới, thể hiện rõ nét sự chuyển biến tích cực và tiến bộ mạnh mẽ trong từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, từng lĩnh vực công tác, từng nhiệm vụ, từng kết quả đạt được trong 8 tháng qua và những năm gần đây.

Trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn thể hiện tư duy đổi mới mang tầm chiến lược dài hạn, tư tưởng chính sách thông thoáng nhưng quản lý toàn diện và hiệu quả, phân cấp mạnh mẽ, tập trung tháo gỡ các nút thắt nhằm khơi thông về mặt thể chế, thông qua đó thu hút hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Về phát triển kinh tế - xã hội, liên tục trong 3 năm qua, Bộ đã chuyển đổi mạnh phương thức làm kế hoạch từ chỗ các bộ, ngành, địa phương đến làm việc tại trụ sở Bộ sang tổ chức làm việc theo vùng. Qua đó, đã tiết kiệm đáng kể chi phí về mặt nguồn lực cũng như thời gian cho các bộ, ngành, địa phương nhưng đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tạo ra sự hiểu biết, trao đổi, chia sẻ, thống nhất, liên kết lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống văn bản pháp quy về đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục được hoàn thiện. Những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp đã khuyến khích tinh thần khởi sự kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm, đạt hơn 90.000 doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế ảnh 3

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung (Ảnh: MPI/Đức Trung)

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang triển khai hiệu quả các nhiệm vụ như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; thực hiện tốt công tác thống kê, xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, triển khai các nội dung liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quán triệt sâu sắc và kiên định tinh thần cải cách, đổi mới, nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, luôn đi đầu trong công cuộc cải cách, đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Làm rõ thêm về những kết quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang chuyển mạnh hơn sang đổi mới sáng tạo, trong đó Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đi đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh vì không có lợi ích cục bộ trong cải cách môi trường kinh doanh", ông Cung nêu rõ.

Tin bài liên quan