Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất gói hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, logistics vượt đại dịch

Việc miễn, giảm có thời hạn một số loại thuế, phí và giá dịch vụ vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải - lĩnh vực chịu tác động trực diện và nặng nề nhất từ dịch Covid 19.
Cho đến thời điểm hiện tại, các hãng hàng không chính là đối tượng chịu nhiều hệ lụy nhất từ dịch Covid – 19 với thiệt hại ban đầu từ việc dừng các đường bay đến các thị trường trọng điểm đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Cho đến thời điểm hiện tại, các hãng hàng không chính là đối tượng chịu nhiều hệ lụy nhất từ dịch Covid – 19 với thiệt hại ban đầu từ việc dừng các đường bay đến các thị trường trọng điểm đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Một gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải vừa được Bộ GTVT gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Theo đó, trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép bộ này được áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cành tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong  thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

“Đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách”,  công văn số 2271/BGTVT – VT do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Cho đến thời điểm hiện tại, các hãng hàng không chính là đối tượng chịu nhiều hệ lụy nhất từ dịch Covid – 19 với thiệt hại ban đầu từ việc dừng các đường bay đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc giảm tần suất đến Hồng Kông, Đài Loan từ đầu tháng 1/2020 đến cuối tháng 2/2020 đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở số liệu vận chuyển cập nhật, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa đưa ra đánh giá, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020 với 2 kịch bản.

Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa đưa ra đánh giá, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020 với 2 kịch bản.

Trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường hàng khong sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt  61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so 2019 Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17 % so cùng kỳ).

Không chỉ hỗ trợ cho các hãng bay, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế VAT cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5%, qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy. Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hải Phòng xem xét không thu phí cơ sở hạ tầng đối với container hàng hóa xuất nhập khẩu được vận tải bằng đường thủy.

Hiện số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển Việt Nam của quý I/2020 với quý I/2019 giảm khoảng 15%, chủ yếu các tuyến từ Trung Quốc - Việt Nam. Riêng đối với tàu biển chở hành khách từ các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng  30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020 do tác động của dịch Covid19.

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, lượng hàng hóa vận chuyển trong quý I/2020 chỉ đạt 24,11 triệu tấn; mức luân chuyển hàng hóa đạt 5.264,8 triệu tấn.km,  giảm lần lượt là 10,7% và 8,8% so với tháng 1(so sánh với thời gian trước khi dịch).

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, kể từ thời điểm xảy ra dịch, tình hình vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều bị ảnh hưởng trực tiếp, các tiêu chí về lượt xe (xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, du lịch), sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40% đến 80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch.

Trước đó, để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tại Quyết định số 42/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2020 với 3 chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước

Cụ thể, về vận tải, trong năm 2020, phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bình quân từ 8 - 9 % về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2019; thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển: Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020 với số vốn dự kiến giải ngân là 35.300,84 tỷ đồng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về vận tải và thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sẽ có những khó khăn, ảnh hưởng đáng kể. Trong đó, một số dự án đầu tư đang thực hiện có tham gia của nhà thầu, tư vấn từ các quốc gia đang bùng phát dịch (Hàn Quốc, Trung Quốc...) đã gặp khó khăn như: chậm huy động nhân sự nước ngoài quay lại Việt Nam để tiếp tục thực hiện dự án (điển hình như các dự án: đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); việc nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ dự án (nhất là các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc) do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa tổ chức phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT coi mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2020 là mục tiêu hàng đầu và đang tập trung, quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án để đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Tin bài liên quan