Blockchain là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Blockchain là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

(ĐTCK) Cuối tuần qua (28/1), Hội nghị Vietstock Blockchain Summit 2018 đã được các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong ứng dụng công nghệ blockchain chia sẻ nhiều thông tin hữu ích xung quanh chủ đề này, với sự tham dự của hơn 600 nhà đầu tư.

Vietstock Blockchain Summit 2018 là hội nghị đầu tiên về Blockchain và tiền kỹ thuật số được tổ chức ở Việt Nam. Sự kiện do Vietstock và FundYourselfNow, một trong những đơn vị hàng đầu của Singapore trong hoạt động hỗ trợ ICO, đồng tổ chức. 

Theo ông Liu Yusho, sáng lập viên của đồng Coinhako, một trong những startup đầu tiên của Singapore huy động vốn qua ICO, đồng thời đang là cố vấn cho sàn giao dịch Vinaex, thì sự phát triển của Blockchain và Crytocurrency có tiềm năng lớn hoàn toàn dựa sự phát triển của công nghệ và không có sự giới hạn.

Ngày nay các tập đoàn công nghệ, ngân hàng đang có thảo luận liên quan đến sự phát triển của công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số.

Ông Kenneth Tan, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FundYourseflNow cho biết, hiện nay trên thế giới công nghệ blockchain được ứng dụng vào 4 lĩnh vực chính bao gồm hệ thống giao dịch thanh toán, chứng nhận sở hữu trí tuệ, các hợp đồng thông minh và xác minh nhân dạng (ID).

“Với Blockchain, chúng ta có thể loại bỏ sự cần thiết của các máy chủ tập trung để xác minh quyền sở hữu và các giao dịch. Blockchain như một cuốn sổ cái ghi nhận thông tin hoặc giao dịch được chia sẻ trên nhiều máy tính khác nhau, không chịu kiểm soát của một cá nhân tổ chức nào. Do đó, ưu điểm của công nghệ Blockchian nằm ở tính bảo mật gần như tuyệt đối”, ông Kenneth Tan nói.

Mặt khác, các giao dịch thanh toán bù trừ sẽ được thực hiện mà không phải thông qua một đơn vị trung gian nào, do đó cả bên mua và bên bán sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, không gian và chi phí. Hiện nay nhiều công ty, tập đoàn, và một số ngân hàng lớn trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này vào các giao dịch thương mại điện tử.

Đối với sở hữu trí tuệ, chẳng hạn khi sáng tác một bài hát, tác giả hoàn toàn có thể lưu tác phẩm của mình trên Blockchain, quyền sở hữu của tác giả được xác lập từ đó có thể thương mại hóa tài sản nếu muốn.

Một trong những ưu điểm khác, theo ông Kenneth Tan, blockchain có thể góp phần bảo vệ môi trường thông qua ghi nhận tín chỉ khí thải Carbon. Blockchain có 1 templates cho phép theo dõi các giao dịch bất kỳ được lưu lại. Thông qua những hành động bảo vệ môi trường, nhà đầu tư sẽ nhận được tín chỉ ERU (đơn vị giảm phát thải), từ đó quy đổi thành tiền kỹ thuật số, dựa trên nền tảng Blockchain.  

Thêm vào đó, Blockchain có thể sử dụng để chứng thực các Hợp đồng thông minh đã được mã hóa, áp dụng tương tự đối với việc chuyển nhượng các token từ các tổ chức phát hành thông qua ICO.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ blockchain cho phép xác định nhân dạng. Blockchain có thể ngăn chặn việc đánh cắp thông tin định danh (ID) và tăng cường bảo mật dữ liệu cá nhân. Trên thế giới, một số quốc gia như Singapore, Estonia, Canada, Thụy Sỹ đã xây dựng hệ thống nhận dạng quốc gia sử dụng công nghệ blockchain.

Tin bài liên quan