Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị Hà Nội cần có cơ chế riêng cho start-up

(ĐTCK) Tại cuộc Hội nghị đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Nguyễn Doãn Toản khẳng định năm 2016 là năm rất đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như Hà Nội nói riêng. 

Theo ông Toản, năm 2016 là năm rất đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp chính thức có hiệu lực với tinh thần cải cách mạnh mẽ, thông thoáng và minh bạch; đồng thời Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết với tinh thần xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ, vì doanh nghiệp điển hình như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Động thái này cho thấy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ khẳng định là “động lực phát triển kinh tế của đất nước” trong thời kỳ mới.

Với những chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách thế chế, ông Toản cho biết,  năm 2016 có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội cao nhất từ trước tới nay với 22,9 nghìn tương đương tăng 19% so với năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cán đích và vượt con số 200.000.

Đặc biệt, với sự nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp thủ đô cùng với sự thống nhất điều hành của các cơ quan quản lý, dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế xã hội Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Các kết quả này thể hiện ở bức trang kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,03%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 173,84 nghìn tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trung bình cả năm 2016 ước tăng 3,01 - 3,07%.

Năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội cao nhất từ trước tới nay với 22,9 nghìn doanh nghiệp, tương đương tăng 19% so với năm ngoái. 

"Đạt được kết quả trên, sự nỗ lực của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 424 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đầu tư nước ngoài 2,8 tỷ USD; vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước 204 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 278 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015" - ông Toản cho biết.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn không ít khó khăn.

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Hà Nội, số doanh nghiệp phải tạm ngừng, nghỉ hoạt động chưa giảm so với năm trước. Tính đến ngày 9/11 có 13.165 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngừng, nghỉ hoạt động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như xuất khẩu tăng trưởng thấp; việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít; sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh thấp. Theo ông Toản, đây là những tồn tại trong mà UBND TP sẽ phải quyết tâm khắc phục trong thời gian tới.

Để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp thu và trả lời trực tiếp, thẳng thắn, trách nhiệm những kiến nghị của doanh nghiệp; giải quyết giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Ngoài ra, với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời trực tiếp tại Hội nghị, Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tiếp thu và có văn bản trả lời, thông báo đến doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Đối với hoạt động khởi nghiệp, Hà Nội cần có những cơ chế riêng, đồng thời tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 - ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị

Ông Hải cũng yêu cầu Thành phố Hà Nội phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Việc ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến doanh nghiệp phải thực hiện theo hướng tạo điều kiện thông thoáng nhất, gần với thực tế, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

“Xây dựng đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ để ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nhân, doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nhân đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, hành vi sách nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức”, ông Hải nhấn mạnh.

Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị Hà Nội cần có cơ chế riêng cho start-up  ảnh 1

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Đặc biệt đối với hoạt động khởi nghiệp, ông Hải đề nghị Hà Nội cần có những cơ chế riêng, đồng thời tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chính sách hỗ trợ cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, phải hoạt động kinh doanh trên cơ sở pháp luật, chấp hành nghiêm túc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, phải có đạo đức trong kinh doanh, không vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật; mỗi doanh nghiệp cam kết thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với Thành phố.

Tin bài liên quan