Bầu HĐQT cũng phải vì thực chất

(ĐTCK) 3 mùa đại hội đồng cổ đông đã trôi qua kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, nhưng hiện vẫn có những thắc mắc hoặc cách hiểu chưa đúng về các quy định liên quan đến bầu cử và nhiệm kỳ của hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập. Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với luật sư Trần Hồng Phúc, Công ty Luật Nguyễn Chiến, Đoàn luật sư Hà Nội về các nội dung này. 

Quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 về nhiệm kỳ của HĐQT, thành viên HĐQT công ty cổ phần so với quy định trước đó như thế nào, thưa bà?

Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 tại Khoản 1, Điều 109 quy định, nhiệm kỳ của HĐQT trùng với nhiệm kỳ của các thành viên HĐQT và không quá 5 năm.

Luật sư Trần Hồng Phúc 

Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 không quy định nhiệm kỳ của HĐQT và chỉ quy định nhiệm kỳ của thành viên HĐQT là không quá 5 năm (Khoản 2, Điều 150). Như vậy, các doanh nghiệp phải tiến hành bầu lại các thành viên HĐQT hết nhiệm kỳ. Điều lệ của các công ty cổ phần phải tuân thủ quy định này của Luật Doanh nghiệp 2014 khi quy định về nhiệm kỳ của thành viên HĐQT. Các thành viên HĐQT có thể có nhiệm kỳ như nhau hoặc khác nhau, nhưng không quá 5 năm, có thể được bầu và hết nhiệm kỳ vào các thời điểm khác nhau.

Với ban kiểm soát, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nhiệm kỳ của kiểm soát viên tương tự như HĐQT (Khoản 1, Điều 136).

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định bầu HĐQT, ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của từng thành viên, thay vì nhiệm kỳ chung của tất cả các thành viên là sự tiến bộ vì đã giải quyết được bất cập so với quy định cũ tại Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Việc bầu cử luân phiên từng thành phần của HĐQT, ban kiểm soát hiển nhiên sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho các cổ đông/nhóm cổ đông đủ điều kiện tham gia ứng cử, thay vì phải chờ toàn bộ các thành viên hết nhiệm kỳ 5 năm mới có cơ hội tham gia, nhất là trong bối cảnh công ty đại chúng, niêm yết, việc các nhóm cổ đông tham gia sở hữu cổ phiếu biến động rất thường xuyên.

Lấy ví dụ HĐQT của một doanh nghiệp có 5 thành viên, được bầu cử cùng một lúc tại phiên họp thường niên đại hội đồng cổ đông, với nhiệm kỳ được quy định trong điều lệ doanh nghiệp là 5 năm. Sau 2 năm, có 3 thành viên HĐQT thôi giữ chức thành viên HĐQT và đại hội đồng cổ đông bầu mới 3 thành viên thay thế. Vậy 3 thành viên mới được bầu này có nhiệm kỳ 3 năm (bằng thời gian còn lại của các thành viên khác) hay có thể là 5 năm?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, nhiệm kỳ của thành viên HĐQT là không quá 5 năm và không còn quy định nhiệm kỳ chung của HĐQT nữa. Vì vậy, nhiệm kỳ của 3 thành viên mới là do điều lệ doanh nghiệp quy định.

Với ví dụ trên, điều lệ doanh nghiệp quy định nhiệm kỳ của thành viên HĐQT là 5 năm thì khi bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT, 3 thành viên này cũng có nhiệm kỳ 5 năm. Sau 3 năm, khi 2 thành viên cũ của HĐQT hết nhiệm kỳ, đại hội đồng cổ đông sẽ bầu lại 2 thành viên HĐQT. Ba thành viên kia chờ đến khi hết nhiệm kỳ 5 năm sẽ bầu lại. 

Pháp luật quy định như thế nào về số lượng thành viên HĐQT độc lập trong công ty đại chúng?

Trước kia, Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng có quy định (tại Điều 24, Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 121) về tỷ lệ tối thiểu thành viên HĐQT độc lập đối với công ty đại chúng quy mô lớn và công ty niêm yết phải chiếm ít nhất 1/3 tổng số thành viên HĐQT. Số lượng tối thiểu thành viên HĐQT không điều hành/độc lập được xác định theo phương thức làm tròn xuống.

Sau đó, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ được ban hành, bãi bỏ Thông tư số 121 nói trên, quy định số thành viên HĐQT độc lập phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu là 1/3 tổng số thành viên HĐQT.

Theo bà, tình hình các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về số lượng thành viên HĐQT độc lập hiện nay như thế nào, nếu không đáp ứng thì có bị chế tài hay không?

Theo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho đến nay, có khoảng 80% số doanh nghiệp niêm yết chưa đáp ứng được yêu cầu này. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa xem xét xử lý trường hợp nào, mà tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp từng bước hoàn thiện công tác quản trị để tiến tới đáp ứng đúng quy định của pháp luật.

Theo quan điểm của tôi, đã là quy định pháp luật thì mọi doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh đều phải tuân thủ. Điểm thuận lợi là doanh nghiệp đang có thời gian để từng bước tuân thủ đáp ứng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc đáp ứng quy định này phải thực sự quan tâm đến hiệu quả lợi ích của cơ chế thành viên HĐQT độc lập. Nếu chỉ để đối phó với pháp luật thì hiệu quả sẽ không cao, thậm chí có những rủi ro với doanh nghiệp.

Chẳng hạn, bầu người không đủ trình độ chuyên môn hay không đủ uy tín vào HĐQT dễ dẫn đến các quyết định của HĐQT không chính xác, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho các cổ đông, nhà đầu tư...

Vì thế, với quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014, đòi hỏi cổ đông phải lựa chọn được người có đủ kinh nghiệm, năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức tốt để ngồi ghế HĐQT độc lập. Một doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả thì luôn cần những người lãnh đạo giỏi và tâm đức. 

Tin bài liên quan