Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bất cập dự thảo đổi mới quản lý thuế

(ĐTCK) Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Bên cạnh những sửa đổi, bổ sung mang tính đổi mới, thuận lợi, thì một số quy định được xem là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, dự thảo Luật tập trung bổ sung trách nhiệm thực hiện thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động; bổ sung quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, hồ sơ khai thuế và việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế; tăng cường chức năng kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo cơ chế quản lý rủi ro; bổ sung chức năng điều tra thuế.

Các quy định này nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế hiện hành, hoàn thiện Luật theo hướng minh bạch, thống nhất và khả thi, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, dự thảo quy định, đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất vào ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý; chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.

Theo bà Phạm Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young, nếu chiểu theo quy định này áp dụng đối với hồ sơ và thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, việc quy định doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và các tài liệu về thông tin giao dịch liên kết… có cùng một thời hạn nộp (chậm nhất ngày thứ 90 kể từ khi kết thúc năm tài chính) là không phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông lệ quốc tế.

“Việc nộp báo cáo tài chính và hồ sơ quyết toán thuế cùng một thời điểm gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, vì quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình”, bà Trang nói.

Đối với quy định sửa đổi hồ sơ khai thuế theo hướng bỏ tờ khai quyết toán thuế và lồng ghép khai quyết toán thuế vào báo cáo tài chính, bổ sung chỉ tiêu để khai thuế, tính thuế thu nhập doanh nghiệp vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp, bà Hà Thị Tường Vy, Trưởng ban Quản lý hành nghề kiểm toán, Tổng thư ký Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam nhận định, việc này sẽ tạo ra sự không độc lập giữa công tác kế toán, lập báo cáo tài chính và việc kê khai thuế, trái với định hướng xây dựng chế độ kế toán Việt Nam tách rời kế toán và thuế của Bộ Tài chính.

“Việc gộp chung sẽ làm công tác hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính rơi vào trạng thái chủ yếu phục vụ mục đích thuế mà không phải cho mục đích quản trị doanh nghiệp”, bà Vy nói.

Mặt khác, trên thực tế, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp không quá dài, mà chủ yếu phức tạp ở các phụ lục đính kèm. Về bản chất, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh chỉ là một phần trong phụ lục kèm theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và không thể thay thế được quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc thay đổi các biểu mẫu không cần thiết làm gia tăng chi phí cho ngân sách nhà nước, cho xã hội và cho doanh nghiệp. Do đó, bà Vy đề nghị giữ nguyên các quy định như hiện hành.

Về việc bổ sung quy định cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động, bà Vy cho biết, hiện tại, các khoản bảo hiểm bắt buộc đang được cơ quan bảo hiểm theo dõi và có thông báo đối chiếu với doanh nghiệp hàng tháng, ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn phải thanh toán cho doanh nghiệp các khoản trợ cấp thai sản, ốm đau. Vì vậy, việc theo dõi đúng hoặc không đúng số phải nộp, đã nộp bảo hiểm của doanh nghiệp còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về phía cơ quan thuế, việc theo dõi nợ thuế đối với doanh nghiệp còn nhiều trường hợp chưa chính xác, thời gian vừa qua còn nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thông báo sai số thuế nợ đọng. Do đó, không nên thay đổi theo hướng bổ sung chức năng này của cơ quan thuế.

Liên quan trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, bà Vy đề nghị không nên bổ sung quy định đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, việc kiểm tra được thực hiện tại trụ sở cơ quan hải quan, trường hợp cần thiết với kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế…

Nếu bổ sung như vậy sẽ thì không những không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động mà còn làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, hơn nữa lại dẫn đến doanh nghiệp hiểu nhầm hải quan đẩy trách nhiệm chi trả chi phí và rủi ro sang doanh nghiệp.

Liên quan đến quy định tăng cường chức năng thanh tra, nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ quy định thời hạn kiểm tra tối đa 5 ngày, nếu cần thiết đoàn kiểm tra được phép gia hạn thêm 5 ngày là phù hợp, không nên để thời gian gia hạn lên tới 30 ngày, nhằm giảm thời gian cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan