Bảo vệ niềm tin

(ĐTCK) Chi phí sản xuất và hiệu quả sản xuất vẫn là những bất lợi lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam nhìn từ phía nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam. Điều này đang nổi lên khi hàng loạt chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tại Việt Nam trong thời điểm này biến động lớn. Trong khi DN trong nước vật lộn với hàng loạt thay đổi mới về giờ cao điểm tính giá điện, về chính sách thuế… thì DN Nhật Bản mới đây lại kêu ca về thực tiễn bất cập trong thực thi các thay đổi chính sách này.

Ông Ryoichi Nakagawa, Giám đốc điều hành Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản cho biết, nhiều DN Nhật Bản đang gặp khó khăn lớn khi phải gánh chịu hậu quả từ những bất cập này.

Ông Nakagama cho biết, trong năm nay, do thay đổi quy định pháp luật liên quan đến thuế giá trị gia tăng (VAT), một số địa phương đã đưa ra hướng dẫn áp dụng thuế VAT 10% đối với chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu của DN chế xuất trong vận chuyển nội địa. Theo quy định này, vận tải quốc tế nếu bao gồm cả chặng nội địa thì DN chế xuất được áp dụng thuế suất VAT 0%. Trong trường hợp tách biệt phần vận chuyển quốc tế và phần vận chuyển nội địa thì DN chế xuất phải chịu chi phí vận chuyển nội địa với thuế suất VAT 10%.

"Cách lý giải này là vô cùng bất lợi cho DN kinh doanh vận chuyển nội địa về mặt cạnh tranh. Các DN chế xuất cũng lâm vào cảnh bị hạn chế sự lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ (phần lớn phải chọn nhà vận tải nước ngoài mà có thể kinh doanh cả vận chuyển nội địa). Ngoài ra, mặc dù đây là chi phí liên quan trực tiếp đến sản phẩm xuất khẩu nhưng DN chế xuất phải trả thuế VAT mà không được hoàn thuế, dẫn đến tăng chi phí", ông Nakagama nói.

Ông Nakagama cũng nhắc tới trường hợp một DN Nhật Bản mất tới gần 2 năm chưa giải quyết dứt điểm hậu quả của những cách vận dụng pháp luật không chính xác. "Từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008, do có sự không rõ ràng trong quy định của luật pháp về thuế VAT áp dụng cho DN chế xuất dẫn đến trường hợp hải quan của 3 tỉnh phía Bắc đã đánh thuế VAT cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài của DN chế xuất. Và cho đến thời điểm có quy định sửa đổi thì một số DN đã nộp vào ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, họ phải đợi đến tháng 1/2009 mới có văn bản hướng dẫn việc hoàn thuế cho phần thu thuế VAT nhầm này. Theo tôi được biết thì đến thời điểm hiện nay, một số DN vẫn chưa thể hoàn thành xong thủ tục xin hoàn khoản thuế VAT thu sai này", ông Nakagama cho biết.

Đối với DN Nhật Bản, Việt Nam vẫn được coi là có nhiều lợi thế hơn các quốc gia lân cận để trở thành một điểm tập trung đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cho dù thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, nhiều nguyên vật liệu sản xuất phải dựa vào nguồn nhập khẩu, ít lao động giàu kinh nghiệm, hạ tầng giao thông đến vùng sâu, vùng xa hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt, DN Nhật Bản cho biết, thủ tục đầu tư đã được đơn giản hoá hơn rất nhiều nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và nếu so với những năm 90 của thế kỷ trước thì vừa nhanh, vừa hiệu quả hơn. Đã có trường hợp DN chỉ mất 2 đến 3 tháng kể từ khi quyết định đầu tư cho tới khi bắt đầu xây dựng nhà máy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhà ĐTNN buộc phải cân nhắc và so sánh ưu đãi, điều kiện đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái hiện nay, nhiều nước láng giềng đang triển khai tích cực các biện pháp thu hút ĐTNN khá mạnh như tạm hoãn áp dụng tăng mức lương tối thiểu hay áp dụng thuế suất ưu đãi theo lĩnh vực, theo khu vực dưới dạng luật có giới hạn thời gian.

Thái Lan cũng chia các khu vực hưởng ưu đãi đầu tư ra làm 3 khu vực và áp dụng mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn giảm thuế suất khác nhau như ở Việt Nam. Nhưng cuối năm 2008, Chính phủ Thái Lan đã thông báo sẽ áp dụng mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn giảm thuế ngang bằng với khu vực có mức ưu đãi cao nhất cho tất cả các khu vực trừ khu vực 1 là Bangkok, đến năm 2014.

"Tôi nghĩ, trong tương lai chắc sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề bắt nguồn từ quy định của luật pháp không rõ ràng và/hoặc sự thiếu hiểu biết của nhà thực thi luật pháp. Nhưng nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trở thành cơ quan đầu mối đứng ra chủ trì giải quyết hoặc đưa ra hướng dẫn cụ thể về pháp lý cho mọi vấn đề phát sinh hoặc liên quan đến chính sách áp dụng cho ĐTNN thì rất thuận tiện. Việc này sẽ tạo được sự an tâm và tin cậy của nhà ĐTNN đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ảnh hưởng lớn đến kết quả thu hút ĐTNN", ông Nakagama đề nghị.