Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Báo chí phải chuyển mình, tăng sức chiến đấu và bám sát hơi thở của đất nước

Nền kinh tế đất nước đang đứng trước nhiều biến động, báo chí cũng phải nhanh chóng chuyển mình để tăng sức chiến đấu và bám sát hơi thở của đất nước. Là một trong những tờ báo hàng đầu của làng báo kinh tế trong nước, Báo Đầu tư luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, bám sát hơi thở của nền kinh tế. Nhân kỷ niệm 26 năm Ngày ra số báo đầu tiên, Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, về vấn đề này.

Báo chí luôn ở tuyến đầu phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm

Thưa ông, nền kinh tế đất nước đang đứng trước nhiều biến động: xét xử các đại án; tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng; những sai phạm và bất cập tại các dự án BT, BOT; hàng loạt dự án ngàn tỷ đắp chiếu… Đó đang là những đề tài lớn được báo chí kinh tế quan tâm phản ánh. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, theo các con số thống kê cũng như theo đánh giá của Chính phủ và của cả các tổ chức quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP đã bắt đầu có xu hướng tăng lên từ giữa năm nay. Nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế vẫn giữ được sự ổn định, một số ngành còn khởi sắc và phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nền kinh tế nước ta vẫn đang phải tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đã xảy ra một số vụ việc khá nghiêm trọng liên quan đến lợi ích nhóm, tham nhũng, thất thoát, lãng phí…

Song nhìn từ góc độ khác, việc có nhiều vụ án lớn được điều tra và đưa ra xét xử cũng cho thấy một thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, đó là quyết tâm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế, quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không có ai đứng trên pháp luật, bất kỳ ai có dấu hiệu vi phạm đều bị điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh.

Phản ánh những “biến cố” lớn của nền kinh tế này, báo chí kinh tế đã làm tốt vai trò của mình chưa, thưa ông?

Thực tế, những biến cố này không phải là những vấn đề quá mới với nước ta (những năm trước còn có những vụ việc lớn hơn như đại án Vinashin, Vinalines…). Cái mới của nền kinh tế hiện nay chính là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với những cái xấu, với sai phạm của cá nhân, tổ chức. Tinh thần ấy rất mạnh mẽ và đang lan tỏa, tạo niềm tin cho xã hội.

Trong cuộc đấu tranh đó, suốt thời gian qua, lực lượng báo chí luôn ở tuyến đầu. Có thể nói, báo chí kinh tế thời gian qua không chỉ phản ánh khách quan, trung thực mọi mặt đời sống kinh tế đất nước, mà còn là lực lượng tiên phong trong phòng chống tham nhũng. Thực sự, báo chí nói chung, báo chí kinh tế nói riêng thời gian qua vẫn tiếp tục giữ vững được vai trò, vị trí hết sức quan trọng, không thể thay thế của mình.

Thổi bùng tinh thần khởi nghiệp

Nền kinh tế đang đổi mới từng ngày, tinh thần Chính phủ hành động, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh, phát động quốc gia khởi nghiệp… đang diễn ra mạnh mẽ. Báo chí kinh tế đã kịp chuyển mình đổi mới để theo kịp những hơi thở thời đại này chưa, thưa ông?

Báo chí phải chuyển mình, tăng sức chiến đấu và bám sát hơi thở của đất nước ảnh 1

 Báo chí luôn nắm bắt hơi thở rất mới mẻ của nền kinh tế. Trong ảnh: Phóng viên truyền hình tác nghiệp tại tọa đàm về bất động sản do Báo Đầu tư phối hợp tổ chức.

Trong suốt năm 2016 và đặc biệt là từ đầu năm đến nay, chúng ta đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ: “Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển”. Đó là thông điệp rất mạnh mẽ, tạo niềm hứng khởi, tạo động lực mạnh mẽ cho toàn bộ nền kinh tế.

Có thể nói, báo chí đã nắm bắt được hơi thở rất mới mẻ này của nền kinh tế. Về tổng thể, báo chí đã bớt đi những bài viết bi quan, nhiều tờ báo đã chuyển từ chỗ thiên về thông tin tiêu cực sang tập trung thông tin về những nhân tố mới, những điểm sáng của nền kinh tế. Tôi cho rằng, đó là sự điều chỉnh đầy tính trách nhiệm và nó làm cho bức tranh nền kinh tế Việt Nam chính xác, khách quan hơn, sống động hơn. Thực tế, đất nước ta vẫn đang phát triển mạnh mẽ, sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tăng mạnh.

Đây cũng là đề tài mà Báo Đầu tư rất quan tâm, dành nhiều dung lượng để phản ánh. Ông đánh giá như thế nào về chủ đề này trên Báo Đầu tư?

Trong khối báo chí kinh tế, Báo Đầu tư vẫn là một trong những tờ báo đáng tin cậy nhất. Bất cứ độc giả nào quan tâm đến kinh tế đều tìm thấy ở Báo Đầu tư những thông tin khách quan, kịp thời, những phân tích, bình luận tin cậy, những bài viết có tính thuyết phục cao. Đặc biệt, các bài viết về lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp của Báo đã giúp doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, góp phần mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, làm dấy lên tinh thần khởi nghiệp, góp phần xây dựng chính phủ kiến tạo.

Bên cạnh đó, tôi vẫn nhìn thấy tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng của các ấn phẩm của Báo Đầu tư. Đối với báo in, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những bài phân tích chuyên sâu về kinh tế, bài của các chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư, kinh doanh…

Nhà báo non nớt, cẩu thả sẽ bị mạng xã hội “đánh lừa”

Hiện nay, mạng xã hội đang cạnh tranh khốc liệt với báo chí. Vậy báo chí nói chung, báo chí kinh tế nói riêng phải làm gì để vừa kịp thời, chính xác, khách quan để thu hút  độc giả, vừa định hướng dư luận một cách đúng đắn, không bị cuốn theo trào lưu trên mạng xã hội?

Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt. Không ai phủ nhận những mặt tích cực, những tiện ích mà mạng xã hội đưa lại, nhưng những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề, như thông tin trên mạng xã hội thiếu kiểm soát, nhiều người tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu tinh thần trách nhiệm… Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cư dân mạng chưa có được văn hóa truyền thông, dẫn tới bị mạng xã hội cuốn theo, thiếu tỉnh táo.

Trong tình hình như vậy, báo chí đang đứng trước 2 nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, báo chí càng phải đề cao trách nhiệm, vai trò của mình bằng cách phải đưa ra những thông tin chính xác, kịp thời để điều chỉnh những thông tin trên mạng xã hội, để định hướng dư luận xã hội. Không ai khác, báo chí phải đưa ra câu trả lời cho những vấn đề mà mạng xã hội đưa ra.

Thứ hai, các nhà báo phải thể hiện trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội qua các bài viết hàng ngày, trên các ấn phẩm báo chí. Đồng thời, các nhà báo vẫn có thể tham gia mạng xã hội, sử dụng chính tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của mình để thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội và vai trò của báo chí. Khi tham gia mạng xã hội, các nhà báo phải giữ được chuẩn mực trách nhiệm, tránh bị mạng xã hội dẫn dắt hay đánh lừa. Hiện nay, có rất nhiều người dựng nên các màn kịch trên mạng xã hội, những nhà báo non nớt, cẩu thả có thể mắc bẫy.

Vậy các nhà báo cần phải trang bị những gì để thích ứng với thời đại truyền thông kỹ thuật số này, thưa ông?

Chúng ta không thể đối lập báo chí - mạng xã hội, nhưng chúng ta phải làm chủ được thông tin trên mạng xã hội bằng trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, tinh tường, sắc sảo, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, các vấn đề báo chí phải đối mặt tới đây không chỉ có mạng xã hội, mà sẽ có thêm nhiều vấn đề khác, đòi hỏi các nhà báo phải không ngừng rèn luyện kỹ năng tác nghiệp, tính chuyên nghiệp, tu dưỡng về mặt đạo đức nghề nghiệp và luôn ý thức được trách nhiệm xã hội nặng nề của một người làm báo. Dù viết về những vấn đề tiêu cực hay tích cực, nhà báo vẫn phải làm cho xã hội giữ vững niềm tin vào chính nghĩa, không để độc giả mất phương hướng, xã hội mất niềm tin, từ đó gây nên những hậu quả khôn lường.

Với tư cách là một độc giả, ông mong muốn gì ở Báo Đầu tư?

Như tôi đã nói, Báo Đầu tư là một trong những tờ báo hàng đầu của làng báo kinh tế nước ta. Những bài viết của Báo Đầu tư luôn phản ánh sát sao hơi thở của nền kinh tế. Tuy nhiên, cái mà tôi và những độc giả quan tâm đến nền kinh tế đất nước là tới đây, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào những khối u, những con nợ của nền kinh tế như những dự án ngàn tỷ đắp chiếu, những vụ việc tham ô, tham nhũng, những dự án BOT “giăng lưới” khắp cả nước, hàng loạt dự án giao thông lớn khác bị đình trệ, đội vốn nhiều lần…

Tôi mong rằng, Báo Đầu tư tiếp tục theo đuổi những chủ đề trên, có những bài phân tích sâu hơn nữa, bám sát hơn nữa chủ trương, biện pháp của Chính phủ khi giải quyết những vấn đề lớn.

Trong bối cảnh báo in gặp nhiều thách thức, Báo Đầu tư vẫn đang đứng vững và luôn nỗ lực đổi mới. Tuy nhiên, đổi mới là cuộc chiến đấu không có hồi kết, tôi mong rằng, Báo Đầu tư sẽ tiếp tục sáng tạo, năng động hơn nữa để có thể vững vàng cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số. Chúc Báo Đầu tư ngày càng thành công và giữ vững vị thế của mình trong làng báo kinh tế.

Tin bài liên quan