Cuộc khủng hoảng năm 2020 là chưa có tiền lệ, 
nên con đường giải cứu kinh tế vẫn chưa rõ đích đến

Cuộc khủng hoảng năm 2020 là chưa có tiền lệ, nên con đường giải cứu kinh tế vẫn chưa rõ đích đến

Bàn về chính sách tiền tệ và tài khóa đối phó với dịch Covid-19

(ĐTCK) Khác với hai cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế gần đây (1997-1998 và 2007-2008), trong cuộc suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19 lần này, các nước đã sử dụng khá nhiều giải pháp và phong phú trong việc áp dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đối phó. Thậm chí, có những giải pháp mới mẻ và táo bạo.

Xét về phương diện kinh tế, cú sốc do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu cũng như từng nước dưới các khía cạnh chủ yếu: (i) Về phía cung, tổng cung đã giảm sút do sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, chi phí tăng cao… do thiếu hụt và đứt quãng nguồn lao động, nguyên vật liệu, vốn tín dụng để thực hiện chính sách hạn chế di chuyển, cách ly và các biện pháp điều trị, phòng và tránh dịch bệnh khác; (ii)Về phía cầu, tổng cầu (nhu cầu tiêu thụ) cũng giảm mạnh do các chi phí tăng lên và thị trường cảm nhận mức độ rủi ro gia tăng cùng với thu nhập bị giảm sút (do thất nghiệp, giảm việc làm…); và (iii) Các tác động trên đã lan tỏa mang tính toàn cầu do tính chất mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa của các nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và thương mại.

Bàn về chính sách tiền tệ và tài khóa đối phó với dịch Covid-19 ảnh 1

TS. Hà Huy Tuấn, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc giaTrường Đại học Hòa Bình, Hà Nội

Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã coi dịch Covid-19 là thảm họa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 1930 đến nay và dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có “mức âm lớn” trong năm 2020.

Trong khi tổn thất về mặt kinh tế do dịch bệnh này gây ra vẫn đang tiếp tục thì thế giới đã phải chi hơn 8.000 tỷ USD để chống đỡ và được coi là vẫn chưa đủ.

Trong tổng số tiền đã bỏ ra này thì phần lớn là do các nước thực hiện, còn lại một phần là do các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế triển khai. Đối với các nước, việc thực hiện được chủ yếu thông qua dưới dạng các gói cứu trợ bao gồm 2 nhóm chính sách cơ bản và truyền thống là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Tính đến thời điểm đầu tháng 4/2020, tình hình triển khai phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ của 185 nước thành viên thuộc IMF dược thể hiện tại Bảng 1 (trong đó, có những nước không áp dụng chính sách nào hoặc áp dụng nhiều chính sách đồng thời).

Đối với chính sách tài khóa

Ưu tiên và trọng tâm cao nhất của chính sách tài khóa là phòng, chống dịch bệnh (Khoản 1, Mục I, Bảng 1) với việc có 123 nước (tỷ lệ 70% - mức cao nhất). Đây là các khoản chi mua sắm các phương tiện, trang thiết bị y tế, tạo cơ sở vật chất, đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực y tế đồng thời điều trị và chữa bệnh…

Tiếp theo là việc chi hỗ trợ cho con người và doanh nghiệp với 74 nước (tỷ lệ 42%) cho con người và 89 nước (tỷ lệ 51%) cho doanh nghiệp, trong đó đa số các nước thực thi cả hai chính sách là vừa hỗ trợ cho người lao động, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đối với người lao động thì đây là các khoản chi trợ cấp nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc, giảm hoặc không còn thu nhập, hưu trí…, còn đối với doanh nghiệp là các khó khăn hoặc tổn thất do bị đình trệ, ngừng sản xuất - kinh doanh, giảm doanh số, thu nhập… Bên cạnh đó, còn có các khoản hỗ trợ, bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động và lực lượng lao động ổn định.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, hàng không, công nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu. Ngoài ra, một số nước có sử dụng ngân sách để hỗ trợ thị trường chứng khoán và doanh nghiệp thông qua việc mua, bán trái phiếu chính phủ và cổ phiếu một số doanh nghiệp quan trọng.

Bên cạnh đó, khá nhiều nước còn ưu tiên việc sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính cho người lao động và doanh nghiệp, trong đó có 57 nước (tỷ lệ 33%) có ưu đãi cho người lao động và 78 nước (tỷ lệ 45%) có ưu đãi cho doanh nghiệp. Đa số các nước thi hành cả 2 chính sách ưu đãi với người lao động và doanh nghiệp. Đây là các khoản ưu đãi  miễn, giảm, giãn, chậm kê khai, nộp thuế, các khoản thu (phí, tiền thuê…), kể cả bảo hiểm xã hội. Đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi này về cơ bản cũng tương tự như đối tượng hưởng chính sách chi trợ cấp.

Trong khi tổn thất về mặt kinh tế do đại dịch này gây ra vẫn đang tiếp tục thì thế giới đã phải chi hơn 8.000 tỷ USD để chống đỡ và được coi là vẫn chưa đủ.

Như vậy, có thể thấy ở cả chính sách chi và thu ngân sách đều có tỷ lệ lớn các nước áp dụng số lượng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn so với người lao động.

Ngoài ra, chiếm tỷ lệ đáng kể là các nước sử dụng việc tăng cường đầu tư, mua sắm (17 nước, tỷ lệ khoảng 10%) để tạo và kích thích nhu cầu trong nước, đồng thời cơ cấu lại ngân sách (18 nước, tỷ lệ  khoảng 10%) với việc dành ưu tiên cho việc phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng các nhu cầu trước mắt, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế. Trong khi việc tăng đầu tư là giải pháp cần có nhiều nguồn lực và phải cẩn trọng về hệ quả thì giải pháp cơ cấu lại ngân sách dường như an toàn hơn với việc chỉ cần ưu tiên các khoản mục thu - chi, cho dù sẽ bị ảnh hưởng tới các kế hoạch chi tiêu ban đầu.

Việc chỉ còn một số ít quốc gia sử dụng chính sách kiểm soát giá (5 nước, tỷ lệ 3%) cho thấy, đây là những nước quan ngại về hệ quả lạm phát của chính sách hỗ trợ để ổn định tâm lý và đời sống của người dân, trong khi hầu hết các nước khác chấp nhận điều tiết giá cả theo cơ chế thị trường. Đây là các mặt hàng chiến lược, quan trọng hoặc nhạy cảm… nhằm tránh biến động, gây lạm phát, mất ổn định tâm lý và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, nền kinh tế.

Cuối cùng, một số ít quốc gia thực hiện việc tài trợ và đóng góp tài trợ cho các tổ chức quốc tế (7 nước, tỷ lệ 4%) để hỗ trợ các nước khác đối phó với dịch. Đây chủ yếu là các nước phát triển, có khả năng tài chính hoặc thực hiện các cam kết quốc tế mang tính khu vực.

Đối với chính sách tiền tệ

Ưu tiên cao và trọng tâm của các nước được tập trung vào việc đảm bảo ổn định mức độ tín dụng cho nền kinh tế (114 nước, tỷ lệ 65%) trong bối cảnh khủng hoảng thông qua việc tăng cường bảo lãnh, chấp nhận hạ chuẩn cho vay, tái cấp vốn… đồng thời với việc giảm phí, thậm chí một số ít nước còn tăng tín dụng thông qua việc nới lỏng hạn mức cho vay ở những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản,
chứng khoán...

Tiếp theo là việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế với 99 nước (tỷ lệ 57%) thực thi chính sách này. Điều đó là hợp lý và tương tự như các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khác, trong bối cảnh khó khăn, thanh khoản là một trong những ưu tiên hàng đầu cần được đảm bảo duy trì để tránh làm khủng hoảng trở nên xấu hơn trước các tác động dây chuyền. Để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính, hầu hết các nước áp dụng chính sách hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho phép và mở rộng hoạt động repo…

Bàn về chính sách tiền tệ và tài khóa đối phó với dịch Covid-19 ảnh 3

Các doanh nghiệp cần hỗ trợ thanh khoản trực tiếp để tái khởi động sản xuất - kinh doanh

Ngoài ra, một số nước sử dụng ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại để hỗ trợ thị trường chứng khoán và doanh nghiệp thông qua việc mua, bán trái phiếu chính phủ và cổ phiếu một số doanh nghiệp quan trọng.

Điều đáng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lần này là chính sách giám sát tài chính được nhiều nước coi trọng và sử dụng (68 nước, tỷ lệ 39%). Đáng chú ý, có tới 63 nước (tỷ lệ 36%) áp dụng việc hạ thấp và nới lỏng hơn các chỉ tiêu, chuẩn mực cảnh báo và quản lý an toàn, cẩn trọng hơn trong bối cảnh khủng hoảng nhiều rủi ro (chẳng hạn hạ chuẩn đối với tài sản đảm bảo, mức đảm bảo vốn, mức vốn đệm, đánh giá khả năng mất vốn…). Nhiều nước trong số này nằm trong Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang áp dụng chuẩn mực Basel III cho hệ thống ngân hàng. Còn lại 5 nước (tỷ lệ 3%) thực hiện việc thắt chặt hơn chính sách và tiêu chí giám sát do điều kiện đặc thù của mình.

Ngoài ra, trong bối cảnh khủng hoảng, không nhiều quốc gia áp dụng chính sách hạ lãi suất (67 nước, tỷ lệ 38%) để kích thích nền kinh tế. Điều này có thể được giải thích là trong thời gian qua, đã có nhiều nước duy trì mức lãi suất rất thấp 0%, thậm chí là lãi suất âm (-), nên đã không còn nhiều dư địa để áp dụng công cụ này. Hơn nữa, có vẻ như nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn cả về sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, nên việc điều chỉnh lãi suất cho vay không có nhiều tác dụng. Tuy vậy, vẫn có những quốc gia thậm chí còn phải tăng lãi suất để phòng, chống lạm phát có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, một số lượng đáng kể quốc gia (46 nước, tỷ lệ 26%) sử dụng chính sách điều chỉnh tỷ giá, quản lý ngoại hối và luồng tiền để đối phó với khủng hoảng, trong đó có 21 nước (tỷ lệ 12%) thi hành chính sách thả nổi và 17 nước (tỷ lệ 10%) áp dụng chính sách tự do và can thiệp khi cần thiết, chỉ có 8 nước (tỷ lệ 4%) thực hiện việc khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Hầu hết các nước thực hiện chính sách thả nổi, tự do trong tỷ giá và cán cân thanh toán là các nước đã phát triển, những nước áp dụng các chính sách còn lại là các nước mới nổi.

Cuối cùng, một số quốc gia áp dụng chính sách ổn định cung cấp dịch vụ tài chính (20 nước, tỷ lệ 11%) và nâng cao khả năng bảo hiểm tiền gửi (2 nước, tỷ lệ 1%) để duy trì hoạt động hệ thống tài chính và ổn định tâm lý người gửi tiền nhằm đối phó với khủng hoảng.

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ

Để có thể đánh giá rõ hơn tình hình áp dụng và phối hợp hai chính sách trên, cần xem xét các số liệu một cách chi tiết hơn.

Số liệu tại Bảng 2 cho thấy, hầu hết các nước (146 nước, tỷ lệ 79%) đã sử dụng đồng thời cả chính sách tài khóa và tiền tệ để đối phó với cuộc khủng hoảng lần này, trong đó đa phần áp dụng từ 4 - 6 giải pháp đồng thời. Bên cạnh đó, có 22 nước (tỷ lệ 12%) áp dụng chỉ một chính sách tài khóa hoặc tiền tệ, trong đó các nước chỉ áp dụng chính sách tài khóa (15 nước, tỷ lệ 8%) chủ yếu là để chi cho y tế và phòng, chống dịch bệnh, thậm chí phải trông chờ vào nguồn tài trợ quốc tế mới triển khai được. Đáng chú ý, vẫn có tới 17 nước (tỷ lệ 9%) chưa áp dụng một chính sách nào để đối phó.

Bàn về chính sách tiền tệ và tài khóa đối phó với dịch Covid-19 ảnh 4

Hầu hết 39 nước không áp dụng cả hai chính sách này thuộc khu vực châu Phi hoặc là nước có thu nhập thấp ở các châu lục khác và cũng chưa có hoặc có tỷ lệ các ca nhiễm bệnh rất thấp.

Một số hàm ý chính sách

Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19
vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, nên chưa thể có đánh giá đầy đủ và chính xác về kết quả của các chính sách tài khóa - tiền tệ mà các nước sử dụng để đối phó với dịch bệnh lần này. Hơn nữa, việc áp dụng và phối hợp giữa hai chính sách này về cơ bản là phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nước. Mặc dù vậy, có thể tạm thời rút ra một số hàm ý về chính sách như dưới đây:

Đầu tiên, do nguyên nhân của cuộc suy thoái kinh tế lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, nên về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn các chính sách về tài khóa - tiền tệ là thứ yếu, là công cụ mang tính hỗ trợ. Dù vậy, các giải pháp về tài khóa và tiền tệ vẫn hết sức quan trọng. Đặc biệt, thực tiễn cho thấy, sự tác động qua lại giữa hai nhóm chính sách này là khá lớn. Nước nào có các giải pháp về y tế quyết liệt ngay từ đầu thì giảm thiểu được chi phí của các giải pháp tài chính - tiền tệ và ngược lại, nước nào chậm trễ trong việc triển khai các giải pháp y tế thì phải trả giá cao hơn.

Thứ hai, khác với hai cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế gần đây (1997-1998 và 2007-2008), trong cuộc suy thoái kinh tế lần này, các nước đã sử dụng khá nhiều giải pháp cụ thể và phong phú trong việc áp dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đối phó. Thậm chí, có những giải pháp khá mạnh dạn và mới như nới lỏng các tiêu chí giám sát an toàn, cẩn trọng ở khu vực tài chính…

Có vẻ như nguyên nhân của đợt khủng hoảng lần này không phải xuất phát từ lĩnh vực tài chính - tiền tệ nên các nước mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các biện pháp tài chính - tiền tệ và đồng thời cho thấy, trong thời gian vừa qua, các nước đã giám sát khá chặt chẽ lĩnh vực này, nên có thể phần nào yên tâm nới lỏng khi có tình thế yêu cầu.

Thứ ba, xét về tổng thể, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mà nhiều nước đang áp dụng là khá hợp lý, với việc tập trung xử lý trước tiên vấn đề phòng chống dịch bệnh, sau đó mới tới các tác động về kinh tế. Về mặt kinh tế, các chính sách tài chính - tiền tệ đã hướng tới xử lý ba tác động tiêu cực nhất là giảm cung, giảm cầu và hiệu ứng lan truyền thông qua việc tạo ra thanh khoản và tránh để phá sản tràn lan tại ba khu vực doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ), hộ gia đình và người lao động, khu vực tài chính. 

Thứ tư, các nước có thu nhập thấp và trong thời gian dài đã sử dụng các chính sách tài khóa - tiền tệ để phát triển kinh tế - xã hội chưa có hiệu quả thì có ít dư địa để triển khai các gói cứu trợ lần này, nếu có thì hệ quả tiếp theo của các gói cứu trợ sẽ là sự cảnh báo đối với nhiều nước (đặc biệt là sự gia tăng nợ công và có thể dẫn tới khủng hoảng nợ công).

Thứ năm, trong việc triển khai thực hiện các giải pháp về y tế cũng như kinh tế (tài khóa, tiền tệ…), cần có sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế giữa các quốc gia, các khu vực với nhau, cũng như với các tổ chức quốc tế.

Cuối cùng, cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau tại nhiều nước về hai vấn đề chính: (i) Nên ưu tiên ổn định và phát triển kinh tế hay phòng, chống dịch bệnh (y tế) trong việc áp dụng các chính sách; (ii) Nên có đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về tác động, hiệu lực và hiệu quả của các chính sách tài khóa và tiền tệ được áp dụng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các quốc gia cần có những nghiên cứu mang tính chiến lược, toàn diện và lâu dài hơn về các chính sách này.

Tin bài liên quan