Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn.

Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn.

Bài học chính sách

(ĐTCK) Hiệu quả của các chính sách kích cầu chỉ phát huy tối đa khi đối tượng của các chính sách này được lựa chọn phù hợp.

Dấu hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến. Những dự đoán qua đáy cũng được đưa ra. Song hành, các cảnh báo về lạc quan sớm cũng xuất hiện trên các diễn đàn. Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam đang được nhìn nhận với nhiều khác biệt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới những dự liệu của giới đầu tư - kinh doanh về các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bàn luận về vấn đề này, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mọi nhận định đều là dự báo và thực tế thường bị chi phối bởi nhiều điều kiện khác. "Vào thời điểm này, vấn đề mấu chốt là sự lựa chọn mục tiêu chính sách và cách thức thực thi chính sách một cách có hiệu lực và hiệu quả", ông Ân nói và cho rằng, ngay cả khi các chỉ tiêu lạc quan được lựa chọn cùng với sự sẵn sàng, đồng bộ và kịp thời của chính sách điều hành, sự lạc quan là có cơ sở.

Lâu nay, hiệu lực, hiệu quả chính sách vẫn là nội dung chính của các cuộc thảo luận liên quan đến cải cách kinh tế cũng như nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hai điều kiện quan trọng này trên thực tế nhiều khi không đạt được đã tạo sức cản khá lớn trong nhiều nỗ lực cải cách.

Đơn cử như trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, tại hội thảo mới đây bàn về ngăn chặn suy giảm kinh tế, TS. Nguyễn Quang Hồng, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cơ chế quản lý nhà nước chưa phù hợp để doanh nghiệp là hạt nhân của nền kinh tế phát triển. Vấn đề nhiều khi không chỉ là sự thức thời của chính sách, mà nằm ở điều hành chính sách vận hành phù hợp với thực tế.

Ông Hồng phân tích từ những cơ hội không được chuyển hoá khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, từ việc nguồn kích cầu đầu tư vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng luôn chậm tiến độ và vượt dự toán… và kết luận: "Hậu quả lớn của việc kém hiệu lực, hiệu quả của nhiều chính sách sẽ dẫn tới việc khu vực đầu tư tư nhân bị giảm do thiếu nguồn lực, thiếu cơ hội, trong khi chính khu vực này lại có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn cả".

Cũng phải nhắc tới chất lượng của các biện pháp hành chính trong xử lý tình huống kinh tế phát sinh đột ngột theo chiều hướng xấu. Giới phân tích kinh tế cho rằng, đây là hành động tất yếu và cần thiết, nhất là khi nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2008 với đặc trưng là bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát leo thang, thâm hụt thương mại hàng hoá, thâm hụt cán cân vãng lai, rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng tăng… Các biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả thực sự khi có sự chuẩn bị về cách thức, lộ trình rút bỏ các biện pháp đó một cách hợp lý và được giải trình nghiêm túc. Trong điều kiện thực tế của Việt Nam, đòi hỏi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp về giải trình cũng như thông tin minh bạch là rất lớn. Nếu thiếu đi vế này, tác động của chính sách thực tế sẽ khó đạt được như mong muốn của các nhà hoạch định.

Đây chính là một phần nguyên nhân của các đánh giá khác nhau về hiệu quả của các gói kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đưa ra từ cuối năm ngoái đến nay. GS.TS Cao Cự Bội, Đại học Kinh tế quốc dân đã "lạm bàn" về mặt tiêu cực của gói kích cầu khi cho rằng, khó tránh khỏi lạm dụng nguồn tiền thụ hưởng kích cầu với giá rẻ để thực hiện các mục tiêu không hiệu quả, sai mục đích. Theo ông Bội, giải pháp là cần hệ thống kiểm soát hữu hiệu của hệ thống ngân hàng với việc bổ sung các thể chế nghiêm ngặt, công khai, minh bạch trong vận hành kích cầu.

Bên cạnh đó, ông Bội cho rằng, hiệu quả của các chính sách này chỉ phát huy tối đa khi đối tượng của các chính sách kích cầu được lựa chọn phù hợp. "Sử dụng gói kích cầu không chỉ nhằm phục hồi, kích cầu tăng trưởng, mà cần đạt cả mục tiêu điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Như vậy, có thể đặt mục tiêu kích cầu vào chất lượng và chấp nhận trước mắt tăng trưởng chưa cao", ông Bội nói.

Đặc biệt, bài học chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội đang nổi lên sau những chậm trễ, không đúng đối tượng của các chương trình hỗ trợ xã hội mà Chính phủ đưa ra trong năm 2008. Có thể thấy ngay tính cấp bách của các chương trình hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp trong giảm thiểu khó khăn do bất ổn kinh tế, song hiệu quả, hiệu lực của các chương trình này cho đến nay vẫn dừng lại ở những điều tiếng không nhỏ trong thực hiện.