Áp điều kiện kinh doanh ô tô:Tăng tính pháp lý, không “làm khó” doanh nghiệp

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là một lĩnh vực đặc biệt, có yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng, nên việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết, nhằm pháp lý hoá quy định về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này, chứ hoàn toàn không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thưa Thứ trưởng, việc đề xuất bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã và đang có nhiều ý kiến trái chiều. Ông có thể cho biết lý do tại sao lại có sự bổ sung này? 

Trước hết, cần phải nói rõ việc bổ sung này là cần thiết. Bởi thực tế, việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô về bản chất đã là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trước khi Luật Đầu tư được ban hành. Cụ thể, đối với ngành “sản xuất, lắp ráp ô tô”, tại Quyết định số 115/QĐ-BCN ngày 27/10/2004 của Bộ Công nghiệp đã quy định cụ thể các điều kiện mà doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng, đối với ngành “nhập khẩu ô tô” thì điều kiện đã được quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT.

Tuy nhiên, do tại thời điểm xây dựng Luật Đầu tư 2014, vẫn còn sự nhầm lẫn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nên các quy định về điều kiện kinh doanh áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vẫn được quy định tại cấp quyết định, Thông tư của Bộ. Việc đưa ngành “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện lần này nhằm pháp lý hoá quy định về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này.

Áp điều kiện kinh doanh ô tô:Tăng tính pháp lý, không “làm khó” doanh nghiệp ảnh 1

Ông Đặng Huy Đông 

Ông đánh giá thế nào về tác động của việc đưa ngành nghề này trở thành kinh doanh có điều kiện tới xã hội, cũng như cộng đồng doanh nghiệp?

Chúng tôi đã có đánh giá rất rõ ràng về tác động của việc bổ sung lĩnh vực này vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, người tiêu dùng sẽ được dụng ô tô theo đúng chuẩn mực thương mại, từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, đến khâu bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng; được yên tâm về chất lượng xe, dịch vụ hậu mãi; được đảm bảo bởi pháp luật và cam kết từ chính hãng; giá thành giảm dần nhờ tăng tỷ lệ nội địa hóa và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho toàn xã hội. Còn đối với doanh nghiệp, sẽ có được sự bình đẳng giữa sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu, được bán đúng sản phẩm và chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, đồng thời được tạo điều kiện để yên tâm đầu tư sản xuất, lắp ráp, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển.

Bên cạnh đó, đứng ở góc độ Nhà nước, việc bổ sung này sẽ giúp khuyến khích được ngành công nghiệp ô tô phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo sự ổn định, nhất quán và dài hạn về mặt chính sách, cũng như an toàn xã hội.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, người tiêu dùng sẽ gặp bất lợi vì có ít sự lựa chọn hơn khi mua xe, thưa Thứ trưởng?

Ý kiến này không đáng lo ngại, vì với hơn 20 hãng xe có mặt tại Việt Nam hiện nay, sự cạnh tranh đã tương đối khốc liệt, mà càng cạnh tranh thì người tiêu dùng càng có lợi. Hiện có 46 nhà nhập khẩu ủy quyền chính hãng, bao gồm nhiều thương hiệu khác nhau, cộng với 17 nhà sản xuất ô tô thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), với số lượng cung ứng khoảng 200.000-240.000 xe/năm, người tiêu dùng sẽ có rất nhiều sự lựa chọn. Hơn nữa, có cầu ắt có cung và thực tế cũng cho thấy, mặc dù Thông tư 20 vẫn đang có hiệu lực, nhưng người tiêu dùng vẫn có thế mua bất cứ chủng loại xe nào, miễn là phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Thực tế, một bộ phận doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu xe đã và đang lo ngại việc đưa ngành nghề này vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ tạo rào cản, khiến họ khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô, từ đó tạo độc quyền trong lĩnh vực này. Ông nhận định thế nào về vấn đề này? 

Tất nhiên, việc đưa ra điều kiện kinh doanh không thể tránh khỏi tác động tới một bộ phận doanh nghiệp trong việc gia nhập thị trường và không thể đáp ứng toàn bộ các nhóm lợi ích, song Chính phủ nhìn từ góc độ lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu để xây dựng chính sách, trong đó có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thực tế, có một số DN chỉ đơn thuần kinh doanh nhập khẩu ô tô về để bán, nhằm hưởng chênh lệch, theo đó, chỉ có lợi cho một nhóm đối tượng, chứ không có lợi cho cộng đồng. Với cách thức này, chúng ta không thể xây dựng được hệ thống đội ngũ nhân công lành nghề, có trình độ để phát triển ngành công nghiệp ô tô hiện đại, quy mô.

Hiện nay, đóng góp của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là khoảng 2% GDP. Với thị trường hơn 93 triệu dân, Việt Nam còn dư địa rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp này. Dự kiến đến năm 2030 đóng góp cho GDP là khoảng 5%, tương đương 30 tỷ USD. Nếu đơn thuần chỉ nhập khẩu, buôn bán ô tô thuần túy, sẽ không tạo ra giá trị thực đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế. Do đó, phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ có đóng góp rất lớn vào GDP, cũng như mang lại lợi ích tổng thể cho cả quốc gia.

Tin bài liên quan