Ảnh Internet

Ảnh Internet

5 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch: Cần chủ động tìm giải pháp vượt khó

(ĐTCK) Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Con số này vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/4/2020 tại cuộc họp báo chuyên đề về lao động, việc làm 4 tháng đầu năm. 

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả trên đến từ quá trình điều tra hơn 132.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động, việc làm tính đến giữa tháng 4/2020.

Số liệu này chỉ tính lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể.

Trong số gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có khoảng 54% lao động đang làm việc trong các cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể, 46% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Trong đó, khoảng 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Trong khi đó, đa số lao động bị ảnh hưởng của các ngành bán buôn - bán lẻ và dịch vụ lưu trú - ăn uống hiện đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tương ứng là 74% và 73%. 

Gần 85% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020.

Khoảng gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất 1 trong 4 giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: (1) Cắt giảm lao động, (2) Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, (3) Cho lao động nghỉ việc không lương, (4) Giảm lương người lao động.

Trong đó, “Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất (gần 34% doanh nghiệp thực hiện), trên 25% doanh nghiệp thực hiện “Cắt giảm lao động”.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, cho đến hết quý II, tình hình dịch bệnh hoặc dư âm của nó sẽ vẫn là thách thức đối với doanh nghiệp và người lao động. Ðể vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần phải chung tay kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế.

Năm 2020 là năm đầu tiên Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra về lao động và việc làm, do năm nay nền kinh tế đứng trước thách thức bất thường từ dịch bệnh.

Việc điều tra thực hiện trên hệ thống Internet, kết hợp với kiểm tra logic nội dung trả lời. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp trả lời không hợp lý thì máy sẽ tự báo và nhân sự của Tổng cục Thống kê sẽ gọi lại để kiểm tra.

Theo định nghĩa của ILO, thất nghiệp là những người không có việc làm, nhưng không đi tìm việc và có việc họ cũng không đi làm. Dịch Covid -19 xảy ra khiến một số người tự ý bỏ việc do sợ lây bệnh.

5 triệu ngưởi bị ảnh hưởng bởi dịch là lực lượng bị giãn việc, nghỉ việc không lương, bỏ việc, nên không tính là thất nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách giúp ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch và hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, quan điểm từ Tổng cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp và người lao động cần xác định rõ, cơ chế chính sách hiện nay chỉ là hỗ trợ; doanh nghiệp và người lao động cần chủ động, sáng tạo để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua đại dịch. Ðặc biệt, cần chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp để thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển kinh tế.

Ðối với doanh nghiệp, có thể nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất - kinh doanh, tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài các thị trường truyền thống; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động.

Bên cạnh khó khăn, đại dịch Covid-19 cũng đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động trong việc chuyển đổi để thích ứng nhanh hơn với nền kinh tế số.

Trong nền kinh tế hiện nay, lĩnh vực thực hiện rõ nét việc chuyển đổi sang nền tảng số là hoạt động ngân hàng và chứng khoán.

Các ngân hàng đã cung cấp được dịch vụ trên nền tảng số, giúp dòng chảy tiền tệ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với ngành chứng khoán, dịch bệnh khiến hoạt động của ngành chuyển sang hình thức trực tuyến, khiến dòng chảy đầu tư không bị ảnh hưởng ngay cả khi xã hội phải cách ly vì đại dịch.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 2/2020 đến nay đạt trên 5.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền tảng số đang và sẽ khiến nhu cầu lao động trong các ngành này giảm mạnh, tạo sức ép mới cho những người muốn trụ lại với ngành.

Tin bài liên quan