EVN đề nghị xem xét quy chế quyết định lựa chọn 
tổ chức tư vấn cổ phần hóa, công bố giá trị doanh nghiệp

EVN đề nghị xem xét quy chế quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, công bố giá trị doanh nghiệp

4 nhóm kiến nghị tại cuộc gặp Thủ tướng

(ĐTCK) 200 kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI tổng hợp gửi tới cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp tập trung vào 4 nhóm chủ đề chính: đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực; cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đơn cử, Tập đoàn Điện lực EVN đề nghị xem xét quy chế phân cấp cho hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế nhà nước được quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và báo cáo cho bộ quản lý ngành.

EVN cho rằng, Thông tư 127/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn thành công ty cổ phần quy định “thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp đảm bảo cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp tối đa không quá 6 tháng đối với trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản”, và việc tổ chức bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không quá 18 tháng” gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện.

Đặc biệt, đối với loại hình doanh nghiệp đặc thù, có quy mô lớn như các tổng công ty phát điện thuộc EVN, việc đảm bảo đúng tiến độ là rất khó.    

Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ hai với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 17/5 tới đây sẽ có tổng số 2.000 đại diện doanh nghiệp.

Tương tự, quy định hiện nay các bộ trưởng quản lý ngành chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, công bố giá trị doanh nghiệp khiến công tác cổ phần hóa khó đạt tiến độ do thời gian kéo dài vì phải trình lên cấp có thẩm quyền (cấp bộ và bộ trưởng).

EVN cũng chỉ ra bất cập trong quy định tổng mức chi phí cổ phần hóa tối đa được xác định theo giá trị doanh nghiệp trên sổ sách kế toán là không quá 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị trên 100 tỷ đồng. Với các doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn như các tổng công ty phát điện thuộc EVN có giá trị tài sản khoảng 100.000 tỷ đồng, số lượng các đơn vị trực thuộc nhiều (10 đơn vị), nếu tính riêng gói thầu tư vấn định giá đã có khả năng vượt xa khung chi phí cổ phần hóa tối đa.

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Dược Việt Nam kiến nghị, các chính sách vĩ mô cần phải có tính ổn định, lâu dài, tránh thay đổi quá nhanh giúp cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn, ngành công nghiệp dược Việt Nam phụ thuộc 85 - 90% nguyên liệu ngoại nhập, nếu thiếu chính sách ổn định như chính sách tỷ giá… sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh.

Tại buổi họp báo về cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ hai, đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2016 là năm đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp, khi 75% doanh nghiệp có đánh giá tích cực, tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương.

Doanh nghiệp đánh giá cao sự tích cực của các cấp trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chính sách có những hạn chế do độ trễ, nhiều vấn đề phải sửa đổi ở tầm luật.

Về “điểm nhấn” trong hội nghị năm nay, ông Lộc cho rằng, hiện các địa phương đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, nhưng cần tránh nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường nếu không sẽ gây ra những hệ lụy.

Cụ thể là không được hành chính hóa hệ thống dịch vụ phát triển doanh nghiệp, bởi nếu luật pháp quy định không đủ rõ dễ dẫn đến "nhà nước đứng ra làm tất cả".

Ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Chính phủ sẽ rà soát tất cả những bất cập để giảm khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị trọng tâm là tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, không chỉ để giải quyết khó khăn”.

Tin bài liên quan