20 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, nông sản, thực phẩm, dệt may, đá mài, sản phẩm nhựa đã giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Wakayama, Nhật Bản.

20 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, nông sản, thực phẩm, dệt may, đá mài, sản phẩm nhựa đã giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Wakayama, Nhật Bản.

20 doanh nghiệp Việt kết nối giao thương tại tỉnh Wakayama (Nhật Bản)

Lãnh đạo Bộ Công thương cùng đại diện 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam và hơn 20 doanh nghiệp đã có mặt tại Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế Việt Nam và Wakayama, Nhật Bản.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Tổng lãnh sự quán (Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka), chính quyền tỉnh Wakayama tổ chức Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế Việt Nam và Wakayama, Nhật Bản vào ngày 27/8/2019.

Chương trình thu hút sự tham gia của trên 150 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai nước, trong đó có 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm: Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Long và 20 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, nông sản, thực phẩm, dệt may, đá mài, sản phẩm nhựa...

Sự kiện này là một trong những nội dung cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác về thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Wakayama được ký kết hồi tháng 10 năm ngoái tại Tokyo, Nhật Bản.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi Vùng Kansai có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Chính vì vậy, việc tạo ra các cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tại Kansai nói chung, tỉnh Wakayama nói riêng có thể nắm rõ hơn về tình hình kinh tế, thương mại và môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như tạo cầu nối để các địa phương, doanh nghiệp hai bên gặp gỡ trao đổi trực tiếp nhằm tiến tới hợp tác kinh doanh lâu dài.

Theo ông Lê Hoàng Tài, với vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới, với nhiều ngành sản xuất đang phát triển, Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa dồi dào ở châu Á cho thế giới, là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày...

Các sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng nhiều hơn về cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và những đòi hỏi cao của doanh nghiệp và người dân Nhật Bản nói chung và tỉnh Wakayama nói riêng.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản liên tục có mức tăng trưởng dương trong những năm qua. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản trong 6 tháng 2019 đạt 9,6 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu nhóm hàng dệt may và phương tiện vận tải, phụ tùng – hai nhóm hàng này đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 31,7% tỷ trọng, trong đó hàng dệt may đạt 1,7 tỷ USD, tăng 4,27% và phương tiện vận tải phụ tùng 1,2 tỷ USD, tăng 10,43%.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 37,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 18,85 tỷ USD, tăng 11,8% so với 2017 và nhập 19 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, điện tử, linh kiện từ Nhật Bản, tăng 12% so với năm 2017.

Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam với 4.118 dự án, tổng vốn đăng ký 57,3 tỷ USD (tính đến đầu tháng 5) và chủ yếu tập trung trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất dộng sản…

Tin bài liên quan